Chùa Phật Linh

http://chuaphatlinh.com


ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO DÒNG PHẢI KHÔNG?

ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO DÒNG PHẢI KHÔNG?
 
Hỏi:
        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
        Kính bạch Thầy! Có người nói rằng đạo Phật là đạo dòng phải không?
Trả lời:
        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
        Kính thưa quý Phật tử!
        Đúng như vậy!
        Vào khoảng thế kỷ thứ ba sau tây lịch từ năm 229 – 252,
Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam do ba vị truyền giáo là Ngài Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực và Chi Cương Lương từ Thiên Trúc (Ấn Độ).
Vào đời hậu Lý Nam Đế, thế kỷ VI, năm 580, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi là đệ tử của Ngài Tăng Xán. Ngài từ Trung Hoa truyền dòng phái thiền sang Việt Nam. Kể từ đó, Phật Giáo Việt Nam bắt đầu hưng thịnh và phát triển đến ngày nay. Chúng ta coi như đạo Phật có mặt ở Việt Nam gần 2000 năm.
Vào thế kỷ thứ 10 năm 969 – 1009, dưới triều đại Đinh và triều đại Lê, các vị Thiền Sư làm quốc sư cho triều đình như thiền sư Khuông Việt, thiền sư Đỗ Thuận.
Vào thế kỷ thứ 11, đặc biệt trong lịch sử nước Việt có kể vào đời Lý và đời Trần, hầu như các vua, quan và dân chúng đều tín ngưỡng đạo Phật. Phần nhiều các vua đều có tu học Phật và thọ Bồ Tát giới tại gia.
Nhất là triều đại nhà Lý, đầu thế kỷ 11 năm 1010 đến thế kỷ 13 năm 1225, vua Lý Thái Tổ truyền ngôi cho con là Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông cho sắc lập 95 ngôi Chùa cử lễ khánh thành. Vua ra lệnh sang Trung Hoa thỉnh Đại Tạng Kinh, lúc bấy giờ là triều đại đời Tống ở Trung Hoa. Đại Tạng Kinh đã có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 11.
Vua Lý Huệ Tông là đời thứ chín, cũng là triều đại cuối cùng của họ Lý. Vua cảm mộ đạo Phật và phát tâm xuất gia tại Chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang đại sư. Vua đã truyền ngôi cho con gái mới 7 tuổi, là công chúa Phật Kim - Lý Chiêu Hoàng. Công chúa Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh (1226) và kể từ đây, triều đại nhà Trần bắt đầu thành lập.
Vào đời Trần  thế kỷ thứ 13 năm 1226 đến thế kỷ 14 năm 1400, có hai vị vua đi xuất gia. Đó là vua Trần Thánh Tông xuất gia tại chùa Tư Phúc năm 1288 với Đạo hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân và tiếp theo đó có Vua tên là Trần Nhân Tông(con vua Trần Thánh Tông)  là vị vua đời thứ ba của nhà Trần. Ngài truyền ngôi vua lại cho con là Trần Anh Tông vào năm 1293, thuộc đời thứ tư. Ngài đã rời kinh thành đến núi Yên Tử, xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, để tìm Thầy học đạo(1294) Ngài quyết chí tu hành và đạt được sự giác ngộ. Kể từ đó, Ngài đã hoằng pháp cho người xuất gia và tại gia cho đến năm 1308.  Người đời gọi Ngài là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã hoằng pháp và khai sáng đạo Phật mạnh mẽ. Nay, Hòa thượng Thanh Từ tiếp tục hướng dẫn dòng phái thiền Trúc Lâm. Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam có 3 vị Vua rời ngôi quốc vương xuất gia học đạo. Đó là vua Lý Huệ Tông vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông.
Vào thế kỷ 16 năm 1528 đến đầu thế kỷ 19 năm 1802, nước Việt Nam chia làm đôi. Phía bắc sông Gianh là giang sơn của họ Trịnh và vua Lê; phía nam sông Gianh là giang sơn của họ Nguyễn. Tuy nhiên, chúa Trịnh , vua Lê ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều tu học Phật và ủng hộ Phật giáo phát triển. Như vậy, trong thời đại Trịnh, Nguyễn phân tranh, Phật giáo đã là quốc giáo. Quý vị có thể tham khảo lịch sử Nước Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tóm lại, qua triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và triều đại Trịnh, Nguyễn phân tranh, lúc bấy giờ đạo Phật là quốc giáo, hay nói cách khác, đạo Phật là đạo của dân tộc Việt Nam có lịch sử hơn 1000 năm về trước. Từ thời đó đến nay, ông bà tổ tiên người Việt đều tín ngưỡng đạo Phật hơn 1000 năm lịch sử. Đó là lý do mà người Việt cũng gọi đạo Phật là đạo dòng. Đạo dòng nghĩa là đạo của dòng giống dân tộc Việt Nam có hơn ngàn năm lịch sử.
 
Nam Mô A Di Đà Phật!
Chùa Viên Giác Ngày 13/10/2019
Thích Hạnh Định
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây