Chùa Phật Linh

http://chuaphatlinh.com


Thế nào đạo Phật

Thế nào là đạo Phật? I - Định nghĩa:Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo tĩnh thức, đạo giải thoát, đạo trí huệ, đạo từ bi, đạo giáo dục.
THẾ NÀO LÀ ĐẠO PHẬT?
 
DUYÊN KHỞI
Mọi người ai sống, cũng muốn được hạnh phúc.  Nên ai cũng đi tìm hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi ý muốn của mình được thỏa mãn. Mình muốn cái gì mà được thành tựu như ý, thì mình vui, niềm vui đó chính là hạnh phúc. Vậy, thử hỏi là mình có bao nhiêu ý muốn trong cuộc đời này? Có bao nhiêu ý muốn đã được thỏa mãn rồi? và còn bao nhiêu ý muốn chưa được thành tựu?. Mặc dù, chúng ta chắc cũng có nhiều ý muốn được thỏa mãn, nhưng cũng có nhiều ý muốn chưa được thành tựu. Vậy, chúng ta có cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc không? Chắc cũng có ít người được toại nguyện. Nếu người ý cầu, ý nguyện không thỏa mãn, thì thật khổ tâm; nếu người đang hạnh phúc, mà hạnh phúc tồn tại hoài thì thôi, nhưng nếu nó tan biến đi, hoặc bị mất vì lý do gì đó, thì khổ đau sẽ xuất hiện.
Chúng ta có thân nầy, thì phải lo cho nó ăn, vì nó không được ăn, thì nó chết. Nếu ăn mà không uống, thì nó cũng mất. Nó ăn, uống rồi, mà không mặc áo quần ấm, thì nóng lạnh quá, nó cũng tiêu luôn. Ăn, uống, mặc rồi, không tắm rửa nó, thì nó hôi thối không ai chịu nỗi cả. Ăn, uống, mặc đẹp, sạch sẽ rồi, mà ngủ nghỉ ở ngoài đường, thì bệnh lìa đời. Vậy phải lo cho nó chỗ ở nữa. Để lo cho tấm thân nầy đầy đủ, thì phải làm kiếm tiền. Nên ai cũng cần tiền, vì phải lo sự sống của thân nầy. Nếu người kiếm không đủ tiền để lo cho thân nầy, thì nghèo khổ, còn người làm ra nhiều tiền dư thừa, thì giàu sang, vậy họ mới hạnh phúc. Do đó, hạnh phúc của người nghèo là được giàu.
Người có tài, thì ham nổi tiếng, danh thơm; người có địa vị, thì muốn quyền lực; Người đủ ăn, đủ mặc, mà ở phòng không lẻ bóng, thì cô đơn, ôi! Làm sao hạnh phúc đây? Ngoài ra, chúng ta phải xây dựng hạnh phúc cho tấm thân nầy nữa, vì nó cần tình cảm. Có nhiều người đủ ăn, đủ mặc, mà phải tự tử, cũng chỉ vì tình cảm. Do đó, tình cảm là một sức sống mãnh liệt trong con người. Tóm lại, người ai cũng có nhiều ham muốn, nói chung đó chính là “Tài, sắc, danh, thực, thùy”. Thứ nhất Tài là tiền tài; thứ nhì sắc. Sắc là nhan sắc, vật chất; thứ ba là danh. Danh là danh thơm, tiếng tăm; thứ tư Thực. Thực là ăn, uống; thứ năm là thùy. Thùy là ngủ nghỉ. Qua đó mới thấy mỗi người có niềm hạnh phúc riêng, tùy theo ý muốn cá nhân.
          Khi còn trẻ, thì ở nhà gia đình; khi già phải vào nhà dưỡng lão; khi bệnh, thì vào nhà thương; khi chết, thì vào nhà xác; khi an táng, thì vào nhà mồ. Vậy nơi an nghỉ cuối cùng của thân nầy là nhà mồ. Vì sao? Vì thân do nhân duyên đất, nước, gió, lửa tạo thành, rồi nó bị luật vô thường chi phối, tan rã trở về với cát bụi. Vậy, thân nầy có đó, nhưng chỉ giả tạm, không thật, vì nếu thật, thì phải tồn tại vĩnh viễn, nhưng sự thật cuối cùng của thân nầy là mất. Khi thân nầy mất rồi, thì sự sống của nó, sự nghiệp của nó trong cuộc đời nầy đều bị mất hết. Vì thân nầy không đem theo được cái gì cả.  Do đó mới thấy thân nầy giả tạm, không thật, thì sự sống nầy, cuộc đời nầy cũng giả tạm,  không thật, nó như giấc mộng. Khi ngủ mê, thì có giấc mộng, khi thức dậy rồi, mộng  biến mất. Vậy, mộng không có thật, thì cuộc đời nầy cũng giống như giấc mộng.
Phật nói rằng chúng sanh vô minh, nên chúng sanh tham  lam, sân hận, si mê, rồi tạo nhân thiện ác. Do đó mà, chúng sanh phải chịu quả báo thiện ác. Vì có nhân quả, nên mới có luân hồi sanh tử. Cuộc đời nầy có nhân quả. Ai gieo nhân nào thì gặp quả nấy. Không ai tạo ra nhân quả cả, mà nhân quả là nguyên lý chung của vũ trụ nhân sinh. Do đó, tôn giáo nào cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Đức Phật đã giác ngộ hiểu biết ra điều nầy. Nên Ngài dạy chúng sanh phải hiểu biết luật nhân quả và tu nhân lành. Vì vậy, người tâm thiện, thì sanh cảnh thiện; người tâm đen tối, thì sanh cảnh đen tối; người tâm tịnh sanh cảnh tịnh.
 
PHẬT GIÁO
 
Phật Giáo là giáo lý do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Ngài xuất thân là một vị thái tử, con của vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Maya, sống trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ  (Kapilavastu, nước Nepal bây giờ). Thái Tử hạ sanh vào ngày 15 tháng 04 ÂL năm 624 trước Tây Lịch, dưới cây Vô Ưu, ở vườn Lâm Tỳ Ni  (Lumbini), nước Nepal. Khi trưởng thành, Ngài cưới công chúa Da Du Đà La, và sanh ra một người con trai tên La Hầu La (Rahula). Một hôm, Ngài dạo chơi bốn cửa kinh thành, thấy cảnh khổ sanh, già, bệnh, và chết của kiếp nhân sinh. Ngài giác ngộ sự thật của cuộc đời là giả tạm, như giấc mộng. Nên Ngài từ giả vợ con, bỏ kinh thành tầm sư học đạo vào ngày 08 tháng 02 ÂL năm 605 trước Tây Lịch. Ngài tìm đến các Thiền Sư tu học thiền định 5 năm, và chứng được các bậc thiền định ở các cõi trời sắc giới như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; và các cõi trời vô sắc giới như không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau đó, Ngài tự tu tập thiền quán 6 năm. Năm 30 tuổi, Ngài chứng đạo, thành Phật  vào ngày 08 tháng 12 ÂL năm 594 trước Tây Lịch, dưới cây Bồ Đề, ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), thành phố Gaya, thủ đô Patna, tiểu bang Bihar, nước Ấn Độ bây giờ. Sau đó, Ngài đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh 49 năm cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia và thiết lập Tam Bảo và đã nối truyền mạng mạch Phật giáo đến bây giờ. Năm 80 tuổi, Ngài nằm nhập định, dưới cây Sala Song Thọ tại rừng Câu Thi Na (Kushinagar), thủ đô Pava, Xứ Malla, ở nước Ấn Độ. Ngài ra đi an trụ niết bàn vào ngày 15 tháng 02 ÂL năm 544 trước Tây Lịch (Phật lịch được tính từ năm nầy, năm 544 + tây lịch 2014 = Phật lịch 2558).
 
 
Thế nào là đạo Phật?
 
I - Định nghĩa:
Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo tĩnh thức, đạo giải thoát, đạo trí huệ, đạo từ bi, đạo giáo dục.
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Giác ngộ là hiểu biết sự thật của cuộc đời; sự thật chính là chân lý. Đức Phật ra đời với mục đích: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là “Đức Phật chỉ dạy chúng sanh hiểu biết và vào sâu cái thấy biết của Ngài”. Vì đức Phật nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Phật tánh nghĩa là gì? Phật nghĩa là giác ngộ (hiểu biết), Phật tánh nghĩa là tánh giác ngộ. Nhờ tánh giác ngộ nầy, mà chúng sanh có thể tu hành thành Bồ Tát và thành Phật. Nên đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Do đó, Ngài ra đời là để giáo dục, dạy dỗ, cảm hóa, hóa độ chúng sanh, bỏ ác làm lành, chuyển mê thành ngộ, chuyển người phàm phu thành Bồ Tát, thành Phật. Ngõ hầu thoát ly sanh tử luân hồi.
 
II – Đức Phật là ai?
          Đức Phật là người giác ngộ viên mãn, là bậc giải thoát sanh tử luân hồi, thanh tịnh, từ bi và trí tuệ.
+ Đức Phật là bậc giác ngộ (hiểu biết): Ngài đã giác ngộ được Tục Đế ( sự thật của cuộc đời) và chân đế (sự thật của chân tâm, Phật tánh)
1)Thế Tục Đế (sự thật của cuộc đời): Cuộc đời là khổ. Con người có 2 cái khổ, là cái khổ về thân và cái khổ về tâm.
a) Cái khổ về tâm: cầu không được như ý là khổ; sự chia ly vĩnh biệt với người thân là khổ; Ở gần với người thù hận là khổ.
b) Cái khổ về thân: cái khổ của sanh ra; cái khổ của sự già; cái khổ của bệnh và cái khổ của sự chết.
2) Sự thật của chân tâm: là sự vắng lặng, thanh tịnh hay còn gọi là niết bàn; Phật tánh là tánh giác ngộ của chúng sanh.
+ Đức Phật là bậc giải thoát sanh tử luân hồi: Chúng sanh sau khi chết đi, tùy theo nghiệp thiện ác, mà sẽ lưu chuyển sang kiếp khác trong lục đạo luân hồi. Nếu thuộc về nghiệp thiện sẽ sanh làm trời, người, A Tu La. Nếu thuộc về nghiệp ác sẽ sanh địa ngục, ngạ quỹ và súc sanh. Vì chúng sanh tham, sân, si, mà tạo vô lượng nghiệp thiện ác, nên phải bị nghiệp thiện ác lôi kéo trong lục đạo luân hồi đời đời kiếp kiếp không biết bao giờ mới ra khỏi được. Đức Phật là bậc xuất thế thoát ly sanh tử luân hồi, vì Ngài  tu giới, tu định và tu huệ. Cho nên, Ngài đã diệt được gốc rễ tham, sân, si .v.v.
+ Đức Phật là bậc thanh tịnh: Ngài tu tập và chứng các bậc thiền định, cùng thành tựu 6 loại thần thông như 1) thiên nhãn thông (mắt thấy thông suốt), 2) thiên nhĩ thông (tai nghe thông suốt), 3) thần túc thông (thân biến hiện tùy ý),  4) túc mạng thông (biết thông suốt chuyện quá khứ), 5) Tha tâm thông (Thông suốt tâm ý người khác), 6) Lậu tận thông ( trí huệ thông suốt diệt sạch vô minh). Ngài luôn sống trong an định, nên thân tâm của Ngài luôn luôn thanh tịnh.
+ Đức Phật là bậc đại trí tuệ: Ngài chỉ dạy chúng sanh rất nhiều phương pháp tu tập để diệt trừ phiền não, khổ đau và chuyển người phàm phu thành Thánh nhân.
+ Đức Phật là bậc đại từ đại bi: Ngài nguyện cứu độ tất cả chúng sanh. Ngài không trừng phạt ai, không đưa ai xuống địa ngục. Ngược lại, Ngài nguyện xuống địa ngục cứu độ chúng sanh.
III - Lời dạy của đức Phật:
          Đức Phật dạy chúng sanh chuyển sự si mê thành sự giác ngộ, bỏ ác làm lành và chỉ dạy chúng sanh tu tập chuyển phàm phu thành Bồ Tát và thành Phật. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành. Vì các chúng sanh đều có Phật tánh” “Phật tánh là tánh giác ngộ, hiểu biết”.
Đức Phật dạy: “ Ta là người chỉ đường, còn mọi người tự thắp đuốc lên mà đi”.  Đức Phật không bảo: “Tin Ta; Ta đưa các con về cõi trời hay về Tịnh Độ .v.v.” Tại sao vậy? vì chúng ta chỉ tin  và cầu nguyện đức Phật chưa đủ. Chúng ta phải học và tu hành theo phẩm hạnh của Ngài. Nếu chúng ta chỉ tin và cầu nguyện đức Phật, mà chúng ta vẫn làm ác, thì cảnh sát sẽ bắt chúng ta; ông quan tòa sẽ xử tội chúng ta và đưa chúng ta vào nhà tù. Nhà tù là địa ngục trần gian. Đây là quả ác. Như vậy, ông quan tòa, luật pháp quốc gia và người đời không ai chấp nhận và tha thứ cho người làm ác hết. Đấng thiêng liêng nào cũng dạy  con người bỏ ác, làm thiện.
Đức Phật dạy:
“Làm ác là nhân đưa đến quả ác,
chịu khổ địa ngục;
Làm thiện là nhân đưa đến quả thiện,
Hưởng phước ở cõi người và cõi trời.
Nhân nào quả nấy. Đây là luật nhân quả”.
Cho nên, chúng ta phải hiểu luật nhân quả. Đây là nguyên lý chung của vũ trụ nhơn sinh. Không ai có thể tránh khỏi luật nhân quả cả. Vậy, nếu không hiểu và không tin vào luật nhân quả, chỉ tin vào cầu nguyện chưa đủ. Chúng ta muốn trở thành người tốt, thì chúng ta phải tu sửa; Chúng ta muốn hết phiền não khổ đau, thì chúng ta phải tu tập xả bỏ; Chúng ta muốn hết tham lam, sân hận, si mê, ích kỷ, ganh tỵ, gian dối, bỏn xẻn, . . . , thì chúng ta phải tu học; Chúng ta muốn thành Bồ Tát và thành Phật, thì chúng ta phải tu học Phật pháp.
          Chúng ta muốn thành người tốt, thì chúng ta phải làm sao?
          Một hôm, đức Phật hỏi ngài Ca Diếp: “Này Ca Diếp! giả sử có người đứng bên đây bờ sông và muốn qua bên kia bờ. Người nầy đứng bên đây bờ và cầu nguyện tha thiết, thì người nầy có thể qua bên kia bờ được không? Ngài Ca Diếp trả lời: “Bạch Thế Tôn! Không được”. Đức Phật hỏi: “Vậy, người nầy phải làm sao?” Ngài Ca Diếp trả lời: “Người nầy phải bơi qua sông, hoặc dùng phương tiện ghe thuyền để qua sông, thì người nầy mới đến bên kia bờ”. Đức Phật nói: “Đúng như vậy”. Đức Phật dạy rằng chúng ta muốn trở thành người tốt, thì chúng ta phải tu tập nhân tốt. Chúng ta tạo nhân tốt, thì chúng ta sẽ nhận quả báo tốt. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phải hiểu biết về luật nhân quả. “Nhân nào, quả nấy. Gieo nhân ác, nhận quả ác; gieo nhân thiện, nhận quả thiện; gieo nhân thanh tịnh, nhận quả thanh tịnh”. Chúng ta hiểu biết rõ ràng về luật nhân quả, thì chúng ta mới tin đúng nhân quả được.
+ Đức Phật dạy tu tập như thế nào?
Đức Phật dạy 3 điều: 1 – Không làm các điều ác; 2 – Làm các điều thiện; 3 – Thanh tịnh hóa tâm và giữ tâm thanh tịnh.
  • Thế nào là việc ác?
  • Việc làm hại chính mình và hại người khác là việc ác.
  • Việc làm lợi chính mình và hại người khác là việc ác.
  • Thế nào là việc thiện?
  • Việc làm lợi chính mình và lợi người khác là việc thiện.
  • Việc làm lợi chính mình và không hại người khác là việc thiện.
 
1 - Không làm các việc ác: tu tập giữ 5 giới cấm.
  1. Không sát sanh: Tất cả chúng ta ai sống rồi, cũng chết. Không ai có thể sống mãi mãi được. Vì thế, những ngày chúng ta còn sống chung với nhau, chúng ta phải thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Giết người và vật không giúp cho chúng ta mạnh khỏe hơn, sống lâu hơn và sống hoài không chết. Chúng ta không thể hạnh phúc được, trong khi chúng sanh khác đau khổ, bị giết chết vì. Vì thế, chúng ta lợi dụng lúc sống để thể hiện lòng từ bi với nhau và bảo vệ sự sống. Do đó, đức Phật dạy không sát sanh.
Không sát sanh là không tự giết, bảo người giết và thấy người giết con người và súc sanh, mà sanh tâm vui mừng. Vì con người và súc sanh đều có sự sống, tình cảm, cảm giác khổ, vui .v.v. Chỉ có đều súc sanh không nói được, không đi học được và không có lý trí cao như con người. Nói chung, con người và con vật đều có tâm thức hay nói cách khác là linh hồn. Tội sát sanh sẽ bị ngồi tù, đọa địa ngục và bị thù hận.
2)      Không trộm cắp: là không tự trộm cắp, bảo người trộm cắp và thấy người trộm cắp, mà sanh tâm vui mừng. Tội trộm cắp bị ngồi tù và quả báo nghèo nàn, làm nô lệ.
  1. Không tà dâm: là không được có nhiều vợ, nhiều chồng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
  1. Không nói dối: nói dối có 4 cách. 1. Chuyện có nói không, chuyện không nói có; 2. Nói lưỡi đôi chiều là qua người nầy nói xấu người kia, qua người kia nói xấu người nầy; 3. Nói ác khẩu là chửi rủa người; 4. Nói ỷ ngữ là nói ngon ngọt lừa gạt người.
  2. Không uống rượu, sử dụng áp phiện, xì ke: Vì chất say làm con người không tỉnh táo và khích thích người có thể giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối và làm mất giống trí huệ .v.v.
Đức Phật dạy chúng sanh tu giữ những giới nầy là tu đức.
 
2 - Làm các điều thiện:
1. Thể hiện lòng từ bi với chúng sanh, bằng cách không ăn thịt chúng sanh và phóng sanh.
2. Thể hiện lòng từ bi với người khác, bằng cách bố thí, giúp đỡ mọi người.
3. Thể hiện tình thương với gia đình, bằng sự trung thủy.
4. Thể hiện sự uy tín, bằng lời nói chân thật.
5. Ăn, uống thanh tịnh và tỉnh thức.
          Đức Phật dạy chúng sanh tu những điều thiện nầy để tu phước.
 
3 -  Thanh tịnh tâm và giữ tâm thanh tịnh:
Thanh tịnh tâm là điều quan trọng nhất, mà Đức Phật  muốn chỉ dạy chúng sanh. Vì thân và khẩu làm ác là do tâm; thân và khẩu làm thiện là cũng do tâm; thân và khẩu đạt thanh tịnh là cũng do tâm. Tóm lại, chúng sanh làm thiện, ác đều do tâm. Tâm của chúng sanh bất tịnh, vì chúng sanh tham lam, sân hận, si mê, kiêu căng, ích kỷ, bỏn xẻn, ganh tỵ, gian dối, .v.v. cho nên, chúng sanh bất an, phiền não, khổ đau, luân hồi. Để dứt trừ các nhân khổ đau nói trên, đức Phật dạy phát thanh tịnh tâm. Thanh tịnh tâm là tâm không tham lam, sân hận, si mê. Tâm của Bồ Tát và chư Phật phát tâm giúp chúng sanh tu sữa tâm để chuyển phàm phu thành Bồ Tát và thành Phật. Ngài dạy chúng ta thanh tịnh tâm bằng nhiều phương pháp thiền. Mỗi phương pháp như là viên thuốc. Mỗi viên thuốc trị được một thứ bệnh. Chúng sanh có nhiều thứ bệnh, cho nên đức Phật chỉ dạy nhiều phương pháp khác nhau.
          Hằng ngày, chúng ta bận rộn lo lắng gia đình, công việc làm ăn, xã hội, .v.v. Cho nên, chúng ta lo lắng, suy nghĩ nhiều, căng thẳng nhiều, áp lực nhiều. Vì thế, chúng ta nên dành thời gian tu tập thiền định.
+ Tu tập thiền định có lợi ích gì?
  1. Bớt căng thẳng.
  2. Bớt lo lắng.
  3. Diệt loạn tâm
  4. Tập trung dễ dàng.
  5. Phục hồi trí nhớ.
  6. Tỉnh thức.
  7. Phát triển lòng từ bi.
  8. Phát triển trí huệ.
  9. Tâm được thanh tịnh.
  10. Tâm được an lạc.
Tu tập thiền định có nhiều lợi ích như vậy. Mọi người đều có thể học và tu tập. Nếu chúng ta tu tập thiền định được định tâm, thì tâm sẽ thanh tịnh. Tâm được thanh tịnh là chúng ta an lạc. Vậy, đức Phật đã dạy chúng ta cách sống hạnh phúc rất thiết thực. Khi chúng ta thanh tịnh Tâm được rồi. Tâm đó là tâm của bậc Thánh Nhân, Tâm của Bồ Tát và Tâm của đức Phật. Bỡi vậy, đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành; chúng sanh là Phật sẽ thành”.
+Cách ngồi thiền đếm hơi thở (quán sổ tức):
Phương pháp nầy dùng hơi thở để cột tâm, giúp chúng ta diệt loạn tâm, thư giản thân tâm và định được tâm. Phương pháp tu tập thiền định như sau:
1 - Tư thế ngồi thiền: Ngồi được trên đất thì tiện hơn, vì giúp cho mình dễ tập trung hơn. Người già có thể ngồi trên ghế.
Khi ngồi trên đất, nên ngồi trên bồ đoàn hay cái gối. Ngồi kiết già là chân trái để lên đùi phải và chân phải để lên đùi trái, sao cho hai đầu gối chống xuống đất, thì lưng dễ thẳng hơn; ngồi bán già là chỉ một chân trái để lên đùi phải hoặc chân phải để lên đùi trái, sao cho hai đầu gối chống xuống đất; nếu hai cách nầy không ngồi được thì ngồi bình thường, sao cảm thấy thoải mái cũng được.
Như vậy thứ nhất là cách ngồi, thứ hai là phải thẳng lưng, thứ ba thẳng cổ, thứ tư mắt nhìn xuống sống mũi, thả lỏng, thứ năm uốn lưỡi để lên hàm răng trên, thứ sáu lưng quần không thắc chật bụng của mình, thứ bảy tay phải để lên tay trái, và toàn thân thả lỏng.
  1. Nhập thiền:
  • Hít vào sâu bằng mũi, đưa khí xuống đan điền  (ở bụng), thở ra từ từ bằng miệng. (3 lần)
  1. Hành thiền:
Kế tiếp để hơi thở ra vào tự nhiên qua lổ mũi, không cần phải cố hít vào, thở ra. Chỉ cần theo dõi hơi thở ra vào mà thôi. Hơi thở vào, rồi hơi thở ra đếm thầm một;hơi thở vào, rồi hơi thở ra đếm thầm hai và đếm đến mười, sau đó bắt đầu đếm lại từ một đến mười.
Chúng ta có thể ngồi 15 phút hoặc 30 phút tùy ý.
  1. Xả thiền:
  • Hít vào sâu bằng mũi, đưa khí xuống đan điền (ở bụng), thở ra từ từ bằng miệng. (3 lần)
  • Xoa hai tay cho ấm, massage mắt, mũi, mặt, trán, đầu, lỗ tai, ót, cổ.
  • Xoay hai vai vòng tròn từ ngoài vào trong, kết hợp hơi thở, làm 5 lần và xoay ngược lại.
  • Tay trái bóp cánh tay phải từ trong ra và đổi bên.
  • Massage lưng và thận, đấm vào thận (bóp hai bàn tay lại, sau đó đưa ra sau, đấm vào thận. Thận nằm đối diện với cái rún phía sau).
  • Dũi hai chân ra và bóp từ trong ra ngoài, sao cho giản gân cốt, rồi đứng dậy.

+Kết luận:
         Ở đời có nhiều thú vui, khoái lạc, mà có thể làm cho người ta cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Vì lẽ đó, con người mãi đam mê chạy theo để đạt được hết tất cả những hạnh phúc nói trên, cho đến khi nào người ta cảm thấy thân nầy không còn hoạt động được nữa, thì mới thôi. Vì lẽ đó mới nói: “Cuộc đời là cõi mê”. Khi thân nầy tan rã mất đi, thì những cảm giác vui, buồn, khoái lạc, sung sướng, hạnh phúc, .v.v. đều theo đó tan biến và lúc đó tâm ham muốn khởi lên quyến luyến, nuối tiếc cái hạnh phúc nói trên, rồi đau khổ sẽ từ đấy phát sanh. Ôi! Hạnh phúc chỉ có tạm bợ, mà khổ đau thì thật sự triền miên!
Hạnh phúc không tự nhiên đến với mọi người. Do đó, mọi người ai cũng đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc có được từ bên ngoài qua ai đó, vật chất nào đó, hay qua cảm giác nào đó, .v.v. nó lại không có tồn tại hoài mãi. Do vậy, cái hạnh phúc nào, mà chúng ta cảm thấy vui sướng nhất, khi nó mất đi, thì chính cái hạnh phúc đó làm chúng ta đau khổ nhất và chính nó sẽ giết chúng ta chết một ngày nào đó. Đức Phật chỉ chúng ta đi tìm cái chân hạnh phúc, nó không lệ thuộc vào ai, hay lệ thuộc vào cảnh bên ngoài. Cái chân hạnh phúc đó không đâu xa; đó chính ở trong ta. Mặc dù, chân hạnh phúc có sẳn trong ta, nhưng không phải chúng ta muốn là nó đến, mà chúng ta phải tạo ra, hay nói cách khác là chúng ta phải tu tập. Đức Phật dạy rằng 1) không làm việc ác, 2) làm việc thiện và 3) thanh tịnh hóa tâm mình. Khi tâm thanh tịnh, thì không còn phiền não, khổ đau nữa. Cái hạnh phúc nầy mới bền lâu. “Nếu sống an lạc, thì chết bình an”.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây