Chùa Phật Linh

http://chuaphatlinh.com


Thế nào là Đạo Phật (P2)

Phật Giáo là giáo lý do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Ngài xuất thân là một vị thái tử, con của vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Maya, sống trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ – Kapilavastu (nước Nepal bây giờ).
Thế nào là Đạo Phật (P2)

Thái Tử hạ sanh vào ngày 15 tháng 04 ÂL năm 624 trước Tây Lịch, dưới cây Vô Ưu, ở vườn Lâm Tỳ Ni – Lumbini, nước Nepal. 04a_500Khi trưởng thành, Ngài cưới công chúa Da Du Đà La, và sanh ra một người con trai tên La Hầu La – Rahula. Một hôm, Ngài dạo chơi bốn cửa kinh thành, thấy cảnh khổ sanh, già, bệnh, và chết của kiếp nhân sinh. Ngài giác ngộ sự thật của cuộc đời là giả tạm, như giấc mộng. Nên Ngài từ giả vợ con, bỏ kinh thành tầm sư học đạo vào ngày 08 tháng 02 ÂL năm 605 trước Tây Lịch. Ngài tìm đến các Thiền Sư tu học thiền định 5 năm, và chứng được các bậc thiền định ở các cõi trời sắc giới như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; và các cõi trời vô sắc giới như không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau đó, Ngài tự tu tập thiền quán 6 năm. Năm 30 tuổi, Ngài chứng đạo, thành Phật vào ngày 08 tháng 12 ÂL năm 594 trước Tây Lịch, dưới cây Bồ Đề, ở Bồ Đề Đạo Tràng – Bodhgaya, thành phố Gaya, thủ đô Patna, tiểu bang Bihar, nước Ấn Độ bây giờ. Sau đó, Ngài đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh 49 năm, và thiết lập Tam Bảo, cùng hàng đệ tử xuất gia và tại gia, và đã nối truyền mạng mạch Phật giáo đến bây giờ. Năm 80 tuổi, Ngài nằm nhập định, dưới cây Sala Song Thọ tại rừng Câu Thi Na – Kushinagar, thủ đô Pava, Xứ Malla, ở nước Ấn Độ, và Ngày ra đi an trụ niết bàn vào ngày 15 tháng 02 ÂL năm 544 trước Tây Lịch (Phật lịch được tính từ năm nầy, năm 544 + tây lịch 2014 = Phật lịch 2558).

Thế nào là Phật giáo?

Phật giáo là đạo giác ngộ. Giác ngộ là hiểu biết sự thật của cuộc đời; sự thật chính là chân lý. Đức Phật ra đời với mục đích: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là “Đức Phật chỉ dạy chúng sanh hiểu biết và vào sâu cái thấy biết của Ngài”. Vì đức Phật nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Phật tánh nghĩa là gì? Phật nghĩa là giác ngộ (hiểu biết), Phật tánh nghĩa là tánh giác ngộ. Nhờ tánh giác ngộ nầy, mà chúng sanh có thể tu hành thành Thánh, thành Bồ Tát, và thành Phật. Nên đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Do đó, Ngài ra đời là để giáo dục, dạy dỗ, cảm hóa, hóa độ chúng sanh, bỏ ác làm lành, chuyển mê thành ngộ, chuyển người phàm phu thành thánh nhân, thành Bồ Tát, thành Phật, ngõ hầu thoát ly sanh tử luân hồi.

Thế nào là Đạo Phật (P2)

Đức Phật dạy: “Chư ác mạt tác, chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”

Dịch:
Không làm các điều ác (I),
Phải làm các điều lành (II),
Giữ tâm ý trong sạch (III),
Là lời Chư Phật dạy.

I – Không làm các điều ác: Điều ác là việc làm hại mình và hại người; hoặc lợi mình, mà hại người. Không làm ác giúp cho mình ngăn ngừa quả báo ác, nên gọi là tự lợi. Đức Phật dạy là người Phật tử phải quy y Tam Bảo (Phật bảo, pháp bảo, tăng bảo) và gìn giữ 5 giới cấm (1) Không sát sanh; 2) không trộm cắp; 3) không tà dâm; 4) không nói dối; 5) không uống rượu).

Không sát sanh: không cố ý giết người và súc vật. Vì người và súc vật đều có điểm chung là sự sống, cảm giác vui, buồn, đau đớn, sợ hãi, và tình cảm, . . . chỉ có điều là con người có lý trí cao hơn con vật. Tội giết người không có giúp cho ta thêm mạnh khỏe, sống lâu hơn, và sống hoài không chết. Luật pháp quốc gia nào cũng đều trừng trị kẻ giết người; lòng từ bi trong ta không cho phép ta giết loài vật hữu tình. Giới nầy là thể hiện lòng từ bi của đạo Phật.

Không trộm cắp: không cố ý lấy đồ vật của người khác. Vì luật pháp quốc gia sẽ trừng phạt, và không tránh khỏi luật nhân quả.

Không tà dâm: chỉ có một chồng, và một vợ. Vậy gia đình mới được hạnh phúc.

Không nói dối: có bốn cách

a – Chuyện có nói không, chuyện không nói có.

b – Nói lưỡi đôi chiều là đến người nầy nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người nầy.

c – Nói ngon ngọt dụ dỗ người.

d – Nói ác khẩu là chửi rủa người.

Không uống rượu: Rượu làm người say mê, không tỉnh táo, và làm mất giống trí huệ.

Năm giới nầy là nền tảng đạo đức của đạo Phật, cũng như của con người. Chúng ta giữ 5 giới nầy là để phát triển tư cách đạo đức, và đức hạnh của mình, cũng như trang điểm tâm của mình thêm đẹp.

II – Phải làm các điều thiện: Điều thiện là lợi mình và lợi người; hoặc lợi mình mà không hại người. Làm thiện là phát triển thiện căn và là làm lợi ích cho người, gọi là lợi tha. Khi đức Phật còn là vị thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, Ngài đã nhận ra sự thật của cuộc đời, là ai sanh ra rồi cũng già, bệnh và chết; người giàu, người nghèo, người thông minh, người tài trí, người anh hùng, người si mê, người dại dột đều chung một nhà mồ. Vì thế, Ngài dạy chúng sanh những ngày còn sống phải mở tâm từ bi của mình ban bố và giúp đỡ cho mọi người và những con vật, thì kiếp sống của mình vô vàng giá trị, ý nghĩa và nhiều phúc đức. Ngài dạy làm thiện như: 1) Phóng sanh, ăn chay; 2) bố thí; 3) chung thủy; 4) nói chân thật; 5) tỉnh thức.

1) Phóng sanh, ăn chay là thể hiện lòng từ bi.

2) Bố thí là làm lợi ích cho người.

3) Chung thủy là bảo vệ hạnh phúc gia đình.

4) Nói lời chân thật là tạo uy tín nhân phẩm của mình.

5) Tỉnh thức là để cho tâm sáng suốt.

+ Đức Phật dạy hai điều bỏ ác và làm thiện nầy cho chúng sanh tu thân.

III – Giữ tâm ý thanh tịnh: là tu tâm.

Cuộc sống hằng ngày chúng ta lo cho gia đình, con và cháu. Chúng ta lo làm ăn kiếm tiền mưu sinh, nên phải suy nghĩ nhiều, lo lắng nhiều, nhiều áp lực, nhiều căng thẳng, do đó sinh ra nhiều phiền não và khổ đau. Tất cả vui, buồn, hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm chúng ta nghĩ đến, tìm đến, và tạo ra cho chính mình. Nên đức Phật nói: “Tất cả đều do tâm tạo”. Tâm của chúng ta có lúc vui; có lúc buồn. Nếu tâm có phiền não, khổ đau, thì chúng ta đi đâu cũng đau khổ, vì nó sẽ đi theo mình như hình với bóng; do đó chúng ta cảm thấy bất an. Nếu tâm của chúng ta hết khổ, thì an lạc sẽ xuất hiện. Tâm mà an lạc rồi, thì chúng ta đi đâu cũng an lạc. Nếu sống được an lạc, thì chết được bình an. Như vậy đức Phật chỉ dạy chúng ta nên tìm nguồn an lạc ở trong tâm. Ngài muốn chỉ cho chúng ta nhiều phương pháp tu tập an tâm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây