BODHGAYA, ngày 05/05-2003
Sáng nay là ngày rằm tháng 4, vừa tụng kinh xong, chúng tôi nghe tiếng người ồn ào lẩn những tiếng còi kêu in ỏi bên ngoài. Chúng tôi tới gần cửa Chánh điện xem. Ô! Những luồn bụi cuồn cuộn bay khắp trời, vì những chiếc xe buýt và xe Jeep đang tranh chỗ để đậu xe. Bên cạnh đó những đoàn người cùng với quý Sư từ khắp nơi trên nước Ấn nầy, đang giương cờ Phật giáo hướng về Đại Tháp. Hôm nay mọi người đến đây là vì để dự lễ Phật Đản ngày mai.
Nhìn thấy bên ngoài người đông đảo, làm cho trong lòng chúng tôi thấy vui vui và nao nao . . . Vì lẽ mấy tuần qua đó đây hoang vắng, ít có người tới lui bên ngoài. Do đó chúng tôi cũng muốn ra bên ngoài một chút. Đi ngoài đường thấy họ nằm la liệt hai bên đường. Kẻ ngồi, người nằm ngủ thẳng chân, mặc kệ cho cái nắng nóng 40 độ có hành hạ như thế nào đi nữa! Họ cũng an nhiên tự tại ngủ nghỉ, nấu nướng và ăn uống tại chỗ. Ngay cả trước Trung Tâm Tu Học Viên Giác có giếng bơm tay, nam nữ bu quanh tắm rữa, giặt đồ và thay áo quần cũng tại chỗ . . . làm cho chúng tôi nhớ cái cảnh hành hương ở miếu bà Chúa Xứ ở Châu đốc hơn mười năm về trước, hình như cũng tương tự như vậy. Vì lẽ họ nghèo nàn, nên không ở nhà trọ được. Nhưng nghĩ đến lòng thành của họ đi từ miền nam xa ngàn dặm đến, chắc cũng đủ làm cho chư Phật, Bồ Tát động lòng từ bi . . .
Tổ Quy Sơn có dạy: “Mạng bất khả duyên, thời bất khả đãi”, nghĩa là : “Mạng sống không thể kéo dài, thời gian không chờ đợi ai cả”. Thật vậy chúng ta chỉ chờ thời gian, thời gian không chịu chờ ai hết và ngày lễ Phật Đản lại đến. Tất cả người con Phật trên thế giới đều hớn hở vui mừng hướng tâm thành đến đấng Từ Tôn.
Ban điều hành Đại Tháp Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức Đại lễ Phật Đản vào ngày 16/06-2003 PL 2547. chương trình buổi lễ bắt đầu:
5 giờ 30 Tụng kinh cầu nguyện dưới cây Bồ Đề. 6 giờ 30 Diễn hành xe Hoa. 8 giờ Lễ cầu nguyện của các quốc gia. 9 giờ Lễ tặng quà và phát biểu. 9 giờ 30 Phát trái cây cho bệnh nhân. 11 giờ Cúng dường trai Tăng. 12 giờ 30 Bố thí cho người nghèo. 16 giờ 30 Phát áo quần cho học sinh nghèo. 19 giờ 30 Chương trình văn nghệ mừng lễ Phật Đản sanh.
Sau khi công phu khuya, chúng tôi vộn vàng ăn tô mì gói lót lòng. Khi thầy Thông Lý đến, đồng hồ đã gần 6 giờ 30 rồi, chúng tôi cùng nhau chạy vội. Ra khỏi cửa gặp chiếc xe lôi, chúng tôi đi nhanh để tới nơi kịp lúc.
Mọi người đều phải tập trung ở Daiyoko (là khung viên của Phật giáo Nhật Bản). Nơi đây có thờ Đại Phật lộ thiên to và cùng với mười vị đệ tử lớn của Ngài đứng xung quanh. Khi mọi người tụ họp đầy đủ và bắt đầu đi diễn hành tới Đại Tháp cách 1 cây số. Đi đầu là một biểu ngữ to, kế là cái kiệu thờ tượng Phật Đản sanh, đi sau là chư Tăng trong Hội đồng Phật giáo quốc tế; kế tiếp các chú tiểu nhỏ cầm cờ; kế là lực lượng Tăng quân Bhutan thổi những cái kèn to dài . . . làm vang dội khắp nơi; sau cùng là Phật tử và những em học sinh từ các trường từ thiện của Phật giáo Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, .v.v. gần đến Đại Tháp, chúng tôi bắt đầu nghe nhạc Pali phát ra : “Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”, làm cho không khí vô cùng tưng bừng hớn hở. Vào khung viên Đại Tháp, cả đoàn đi nhiễu Tháp 1 vòng. Sau đó mọi người được hướng dẫn tới dưới cội Bồ Đề (nằm sau Đại Tháp). Ai đứng ở đây cũng đều cảm động tưởng nhớ đến đấng Từ Tôn, người đã thành tựu sự giác ngộ cao cả cho chúng sanh muôn loài.
Dưới cội Bồ Đề, chúng tôi được sắp xếp ngồi hàng đầu chung với các đại diện các Tự viện Quốc gia; sau là chư Tăng Ni; xung quanh là chư Phật – tử và các em học sinh. Mở đầu buổi lễ, vị Tăng Sự của hội Mahabodhi tuyên bố lý do và giới thiệu chương trình buổi lễ. Kế tiếp cung thỉnh Chủ tịch hội đồng Phật Giáo Quốc Tế đốt đèn, dâng hương cúng Phật trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh. Tất cả các em học sinh tụng một thời kinh ngắn. Kế tiếp chư Tăng bên Nam tông như Ấn Độ, Thái Lan, Srilanka, Miến điện . . . tụng chung bằng tiếng Pali, nghe rất thanh thót nhẹ nhàng. Kế chư Tăng Tây Tạng và Bhutan tụng chung những bài thần chú Mật tông, nghe sao mà hào hùng. Thầy Thông Lý nói : “Sắp tới mình rồi, vậy mình tụng kinh gì đây ?”. Có lẽ là lần đầu, thầy ấy tham dự, nên cũng hơi rung ở trước biển người như vậy!. Chư Tăng bên Nam tông và chư Tăng Tây Tạng đông đảo làm cho âm thanh tụng niệm chấn động mọi người. Riêng chúng tôi có hai người lẻ loi, đơn côi. Chúng tôi mới nói : “Có gì đâu, mình tụng chú Đại Bi, Bát Nhã là xong”. Thầy nói : “Thôi thầy làm chủ lễ đi nha!”. Chúng tôi gật đầu và mỉm cười để lên giọng . . . (Sau buổi lễ cúng dường chay Tăng có nhiều Sư đến nói với chúng tôi : “Chúng tôi nghe quý thầy tụng hay quá!”. Chúng tôi cười hí . . . hí . . . và nghĩ thầm : “Không ngờ giọng mình bèo như vậy, mà cũng có người thưởng thức cho được. Cho dù không thật nhưng nghe cũng an ủi phải hôn ?!. ). Sau khi chúng tôi tụng niệm xong là tới chư Tăng Nhật và đại Hàn .v.v. chương trình tiếp theo là anh xướng ngôn viên mời Chủ Tịch HĐPG Quốc tế và thầy Hiệu trưởng trường Đại học Ma Kiệt Đà lên nhận quà và vài lời phát biểu. Tiếp theo phần cúng phẩm vật cho chư Tăng. Sau phần cúng dường là kết thúc buổi lễ.
Để đi trở về chùa thật là vất vả làm sao! Vì phải lặn hụp trong biển người và đặc biệt cũng thưởng thức nhiều mùi khác nhau, đang bốc ra từ đâu đây. Lúc nầy chúng tôi không biết phải nên bịt mũi hay bịt miệng nữa. Trong Tháp thì đông người lễ lạy; còn bên ngoài người buôn bán các nơi và trống kèn kêu in ỏi . . . thế mà cũng có nhiều người vẫn ngủ vô tư bên lề đường.
Đức Phật đi rồi, nhưng còn để lại cái gì đó, mà làm cho mọi người phải lưu luyến trong tâm. Phải chăng qua hình bóng cội Bồ Đề ?? Người ta thường nói : “Đời có họp, ắt có tan”. Vì lẽ đó ngày lễ Phật Đản sanh cũng đã qua mau. Tiếng ồn ào của các đoàn hành hương xen lẩn với những tiếng còi hụ của xe Buýt, đang báo động xe chuẩn xe lăn bánh trở về bổn xứ. Các đoàn xe từ từ rời khởi và trả lại sự yên lặng cho Bồ Đề Đạo Tràng.
Đức Phật có dạy rằng nếu chúng ta mỗi ngày hướng đến Phật và làm cho ông Phật nhỏ trong tâm của mình thức dậy thì những ngày đó đều là ngày lễ Phật Đản sanh, và đó chính là ý nghĩa ngày lễ Phật Đản sanh.
Nhận dịp lễ Phật Đản sanh chúng con, chúng tôi xin kính chúc quý Thầy, Cô và quý đạo hữu Phật tử nhiều an lạc trong ánh Từ quang của chư Phật.
Tác giả bài viết: Giác Niệm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Tế Độ Sư của trụ trì Chùa Phật Linh - ĐĐ Thích Hạnh Định Hòa Thượng Thích Như Điển NGƯỜI KIẾN TẠO NGÔI CHÙA VIÊN GIÁC Ở ĐỨC Hòa Thượng: Thích Như Điển Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc Họ và tên: Lê Cường Đạo danh: Thích Như Điển Ngày và nơi sanh:...