Buổi viếng thăm của Tổng Thống Ấn Ðộ tại Bồ Đề Đạo Tràng

Thứ bảy - 08/10/2016 19:52 Đã xem: 4354
Ôi ! Bà con bàn tán, cũng như dư luận phân tích đủ chuyện về sự thay đổi quá đột ngột, 360 độ không thể nghĩ bàn ở Bồ Ðề Ðạo Tràng nói riêng, tiểu Bang Bihar nói chung.
Buổi viếng thăm của Tổng Thống Ấn Ðộ tại Bồ Đề Đạo Tràng
Buổi viếng thăm của Tổng Thống Ấn Ðộ tại Bồ Đề Đạo Tràng

TRUNG TÂM TU HỌC VIÊN GIÁC
Near Kalachakra Maiden Bodhgaya, Bihar, India
Tel  : 0631 2200237; 2200252
Fax  : 0631 2200249

Bodhgaya date 29/05-2003

Ôi ! Bà con bàn tán, cũng như dư luận phân tích đủ chuyện về sự thay đổi quá đột ngột, 360 độ không thể nghĩ bàn ở Bồ Ðề Ðạo Tràng nói riêng, tiểu Bang Bihar nói chung. Khung cảnh BÐÐT, một nơi mà bấy lâu nay chính quyền tiểu bang Bihar không để ý tới, cũng giống như đứa con bị từ chối… nhưng thời gian gần đây lại coi trọng, vậy là nghĩa thế nào ???

Những con đường xung quanh trước đây đầy những “Ổ Gà”, mà thầy Hạnh Nguyện thường gọi là “Ổ Voi đấy”. Nay được làm lại lán o, ngay cả con đường đi sông Ni Liên Thuyền cũng đã được đổ nhựa mới tinh khô. Hai bên lề đường được sơn sửa đẹp đẽ và những gian hàng ở hai bên lề đã vắng bóng cách đây hơn 10 ngày. Như vậy không biết những người bán hàng đó vui hay buồn …? Từ trong  Ðại Tháp ra tới  đường lộ bên ngoài, từ cây lớn cho đến ngọn cỏ được nâng niu, tô son trét phấn với nhiều màu sắc sặc sỡ. Còn trên mặt đường chùi rửa sạch sẽ, không còn hình bóng của những mảnh rác lảng vãng đâu đây, làm cho chúng tôi tưởng chừng như mình đang ở Nauy vậy. Nói đến Nauy chắc ít có người biết, để ý hay hình dung được. Sẵn đây chúng tôi xin giới thiệu sơ.

Nauy thuộc miền Bắc Âu, giáp ranh với Thụy Ðiển về phía đông và phía tây giáp bờ biển Ðại Tây Dương. Diện tích đất đai chiếm khoảng chín mươi phần trăm là núi rừng. Cho nên nhắm mắt vẫn thấy núi rừng trùng trùng điệp điệp… qua đó chúng ta thấy Nauy có rất nhiều phong cảnh, là nơi hưởng ngoạn thiên nhiên, thư thả để hít những không khí trong lành rất tuyệt vời! Ðặc biệt có nước từ trên nguồn, khi uống vào thấy mát và sẽ có cảm giác như ngọt từng khúc ruột vậy! nếu ai có dịp thăm Nauy một lần thì chắc không muốn về đấy!

Cách đây độ 6 km có một trại lính và họ đã dùng hết lực lượng đổ về đây để thao tác mỗi ngày. Trên sân thượng của chùa Viên Giác nay đã trở thành căn cứ kiểm soát tổng quát lợi hại nhất ở đây. Vì trên sân thượng có thể nhìn tổng quát rõ ràng khu vực sân bay trực thăng của Tổng Thống. Từ chính quyền và người dân đang nô nức chờ ngày viếng thăm của Tổng Thống.

Cuối cùng ngày viếng thăm của Tổng Thống cũng đến. Tổng Thống Ấn Độ tên Abdul Kalam, sanh trong một gia đình nghèo, theo đạo Hồi Giáo, sống làm nghề đánh cá. Nhưng khi lớn lên ông học rất giỏi và được học bổng để vào đại học. Khi tốt nghiệp đại học, thì ông thích nghiên cứu về khoa học. Đặc biệt sở nguyện của ông đã thành tựu nhà khoa học gia đầu tiên về vũ khí tên lửa.

Sáng ngày 31 tháng 05, cờ Phật Giáo ở hai bên đường tung bay khắp trời từ Ðại Tháp ra tới sân bay. Hàng loạt những chiếc xe nhà binh chở đầy các anh nhân viên cảnh sát, cùng các anh lính… đến và bao vây hết khu vực ở đây “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trên sân bay có đâu vài chiếc xe cứu thương, cùng nhiều chiếc xe cứu hỏa, phải nói rằng xe nào cũng rất cổ điển (mấy chiếc xe này có lẽ từ thời đệ nhị thế chiến còn lại quá!) lần nầy là cơ hội cho chính quyền tiểu bang Bihar nói chung, và chính quyền địa phương nói riêng biểu dương lực lượng hùng hậu, để lấy lại uy tín với những tin đồn xấu của dư luận từ trước đến nay…

Khoảng mười một giờ rưỡi, chúng tôi mặc áo hậu vàng với tấm Pass Card đeo trên người. Nhờ tấm  Pass Card nầy, mà các anh Cảnh Sát để chúng tôi đi tự do, vô tư tiến thẳng tới Ðại Tháp. Càng tiến gần tới Ðại Tháp, chúng tôi tưởng chừng như, mình đã lạc vào trại lính vậy. Vì ngoài những anh lính ra không có ai cả, ngay cả ngoài đường cũng không có ai và hơn trăm cái tiệm đều bị đóng cửa. Ở cổng chính, họ không cho ai vào. Vì vậy, chúng tôi đành phải đi vòng vào khuôn viên thiền phía sau, nơi họ có thể lụt soát dễ dàng. Vất vả lắm mới vào được khuôn viên Ðại Tháp. Bên trong, họ chia hai khu, một khu cho chư Tăng ở dưới cội Bồ Ðề và nơi khác có căn lều rất khang trang, nằm bên trái của Ðại Tháp. Chư Tăng ngồi chờ giữa trưa nắng nóng bức, ai cũng bơ phờ, thật tội nghiệp! vì mọi người đều đến trước chúng tôi từ lâu.

Lúc 12 giờ 40, mọi người xôn xao vì nghe tiếng ình ình của ba chiếc Trực Thăng đang đáp xuống. Từ sân bay tới Ðại Tháp khoảng 300 mét theo đường chim bay, không xa lắm. Bởi vậy những cuồn bụi từ sân bay đã theo chiều gió tấn công chúng tôi, làm cho sắc diện và áo quần đều đổi màu. Âm thanh của ba chiếc trực thăng đã gây chấn động cả cái làng này. Với âm thanh này đã làm cho chúng tôi nhớ lại một kỷ niệm khó quên. Có lần đi Phật sự cùng với Sư phụ của chúng tôi ở Pháp, đang trên đường hướng tới thủ đô Paris. Giữa đêm khuya, Sư phụ hỏi : “Hạnh Ðịnh cái gì kêu ầm ầm vậy ?” chúng tôi trả lời một cách thản nhiên : “Bạch Thầy, trực thăng bay ở trên đó!”. Sư Phụ hỏi tiếp : “Trực thăng gì kỳ vậy ?”. Tự nhiên chúng tôi giựt mình và lanh tay đưa xe vào trong lề ngay. Khi vào lề rồi thì xe một chút cũng không di chuyển được. Cuối cùng phát giác ra, xe bị bể cầu sau … Cũng may thật! Sư Phụ không nghe lầm tiếng trực thăng. Nếu không, chắc hai thầy trò lúc đó đã vãng sanh Cực Lạc rồi, hi…!hi…!

Chẳng bao lâu thì tiếng còi hụ to của các chiếc xe cảnh sát chạy thẳng vào cửa Ðại Tháp. Tổng Thống được mời vào trong Ðại Tháp tham quan. Theo lời kể lại của thầy Tăng Sự (Sư Budhipal), Tổng Thống vào trong Ðại Tháp dâng hoa, y áo, đốt đèn và nhang cúng Phật…(trong Đại Tháp có thờ một tượng Phật Thích Ca, là một trong những tượng được điêu khắc bằng đá rất sống ñoäng, rất nổi tiếng vào thời vua A Dục – Asoka). Sau khi thăm viếng xong, ông được đưa đi vòng ra sau Tháp, nơi Ðức Phật ngồi trên Kim Cang Tòa dưới cội Bồ Ðề. Ông đi qua đi lại dưới Cây Bồ Ðề hỏi han đủ chuyện và ngắm nghía kỹ lưỡng, giống như muốn đem những hình ảnh ở đây khắc sâu vào trong tâm trí vậy. Một hồi lâu, ông mới bước ra phía sau, nơi chư Tăng đang ngồi trên tấm nệm, được trải trên bãi cỏ. Ông ta tới gần chư Tăng, chắp tay chào với nụ cười mím chi, rồi cũng ngồi xuống chung. Lúc này mới có thể nhìn kỹ Tổng Thống. Ông 71 tuổi, tướng người hơi ốm, thấp so với người Ấn, nước da khá đen, có mái tóc dài ngang vai và quăn như nghệ sĩ. Mặc dù tuổi già, nhưng nói chuyện rất khôn khéo.

Mở đầu buổi nói chuyện, vị tăng sự Budhipal đại diện chư Tăng nói vài lời chào đón Tổng Thống. Kế là tụng một thời Kinh ngắn bằng tiếng Pali. Kế tiếp, Tổng Thống nói cảm nghĩ vui mừng khi tới Bồ Ðề Ðạo Tràng, nơi đức Phật thành Đạo v.v.. Ông ta cho mọi người đặt câu hỏi. Có một vị Tăng thắc mắc, hỏi : “You are a Scientist having expertise in weapons of war, while Buddha was an apostle of peace. How do you explain this contradiction ? chúng tôi xin tạm dịch thoát ý : “Tổng Thống là một nhà Khoa học, chuyên môn về vũ khí chiến tranh, trong lúc Đức Phật là tông chỉ hòa bình. Vậy ông giải thích sự mâu thuẫn nầy thế nào ?. Ông từ tốn trả lời : “Quest for truth is the gaol of Science, hence there are no contradiction between the teachings of Buddha and the search for truth through science” tạm dịch “Sự tìm tòi sự thật là mục đích của khoa học, vì lý đó không có sự mâu thuẫn giữa lời dạy của Ðức Phật và sự nghiên cứu sự thật xuyên qua khoa học”. Ông nói thêm : “Tôi cũng giống như ngài Ananda, thích hỏi han tìm tòi… Đức Phật đem hạnh phúc cho mọi người và hòa bình cho đất nước. Khi tôi nhìn Đức Phật thì tôi cảm thấy Đức Phật trong tôi. Và tôi cũng mong muốn quý vị mở rộng giảng dạy về Đức Phật để giúp mọi người được an lạc qua thân tâm của quý vị”. Sau đó ông đứng dậy chụp hình lưu niệm với chư Tăng. Chúng tôi không có cơ hội chụp chung, vì đã bị lấn văng ra ngoài. Thầy Budhipal hướng dẫn Ông đi xem vòng quanh Ðại Tháp, rồi thẳng ra bờ hồ trong khuôn viên, nơi có một đức Phật Thích Ca đang ngồi thiền dưới sự che mưa của con Rắn Thần, nằm giữa hồ. Những người Phật tử thường hay đến đây phóng sanh hoặc cho Cá ăn để thể hiện lòng từ bi của mình. Tổng Thống ra dấu cho phóng viên chụp hình Ông Ta xung quanh làm lưu niệm. Kế tiếp được mời tới một Căn Lều, trang trí khá lộng lẫy. Chính giữa được một cái ghế Cẩm Lai cẩn Sa Cừ, do Trung Tâm Viên Giác cho mượn. Phía dưới là hai hàng ghế cho các thầy cô giáo ở địa phương, cũng như vùng phụ cận. Ở đây là buổi thuyết trình, thảo luận giữa Tổng Thống và thầy cô giáo.

Chư Tăng mạnh ai nấy về; chúng tôi cũng nhanh chân chạy thật nhanh thẳng về chùa, vì nóng quá đi! Về chùa khoảng 45 phút sau, lại nghe tiềng còi hụ to, lẫn những tiếng la ó om sòm của Trẻ con. Giữa lúc trưa nắng 40 độ, Bà con ở các Làng  uøn ùn kéo tới, có cả người già lẫn trẻ, bao quanh khu vực Sân Bay. Dân làng ở đây nhìn có vẻ phấn khởi, vì đã chứng kiến một sự kiện chưa từng xãy ra, đặc biệt chưa bao giờ có cơ hội để kiến diện vị Tổng Thống quốc gia của mình. Nhưng đối với mấy đứa con nít thì Tổng Thống là ai cũng không biết, và cũng không lôi cuốn chúng bằng những chiếc máy bay trực thăng. Sau khi lên máy bay, ba chiếc trực thăng nổ máy chuẩn bị cất cánh. Mọi người đều bỏ chạy vì sợ những cuồn bụi tấn công mịt mù, đến nỗi không còn thấy Máy bay đâu hết, mặc dù các đội xe cứu hỏa đã tưới nước trước. Từ từ, Tổng Thống bay cao.

Mục đích của cuộc viếng thăm lần này là thứ nhất Bồ Ðề Ðạo Tràng, nơi đức Phật thành Đạo; thứ nhì muốn thăm chư Tăng; thứ ba trao đổi kinh nghiệm với thầy cô giáo địa phương. Chúng tôi có hỏi cảm nghĩ của một vị Tăng trẻ về chuyến viếng thăm của Tổng Thống. Thầy hồi đáp : “Tôi rất vui, khi thấy Tổng Thống quang lâm chiếu cố đến Phật Tích, mặc dù ông theo đạo Hồi Giáo. Theo tôi được biết, ông đã học và nghiêm cứu rất kỹ về Đức Phật. Vì chỗ đó đã làm cho ông ngưỡng mộ Đức Phật, cũng như có thiện cảm với chư Tăng Ni, mà không ngần ngại đường xá xa sôi, tuổi già sức yếu để đến nơi hẻo lánh, một cái làng vừa nghèo, lại vừa lạc hậu. Tôi cảm thấy hãnh diện, vì mình đã không theo lầm một vị Ðạo Sư. Và đối với tôi chỉ có đức Phật Thích Ca là tôn kính và ngưỡng mộ nhất. Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc… hy sinh hạnh phúc cá nhân, đi tìm chân hạnh phúc cho chúng sanh muôn loài nói chung, cho chúng ta nói riêng”.

“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giới diệc vô tỷ,
Thế gian sở hữu ngã tận kiến,
Nhất thiết vô hữu như Phật giả”.

A DI ÐÀ PHẬT!

Tác giả bài viết: Giác Niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Tiểu sử Thầy Trụ Trì

Chư Tôn Đức có dạy: “Nhứt nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng, Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.” Đại đức Trụ trì chùa Phật Linh thế danh là Đỗ Đình Bình, sanh năm 1972, tại thành phố Sài Gòn – Việt Nam, cha là Bác sĩ, mẹ là hướng dẫn viên hành hương. Thời niên thiếu đi học phổ thông đến lớp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây