Chương Trình Sinh Hoạt Chùa Phật Linh

Thứ hai - 27/12/2021 23:36 Đã xem: 1494
Chương Trình Sinh Hoạt Chùa Phật Linh
 
CHÙA PHẬT LINH
248A Quốc lộ 51, xã Tân Hòa,
Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh BR-VT
Điện thoại : 0254 – 3891583
Website: www.chuaphatlinh.com

 
CHƯƠNG TRÌNH
SINH HOẠT TU HỌC
 

  
 
PL 2556 – DL 2012
 
 
CHƯƠNG TRÌNH
SINH HOẠT TU HỌC
 
 
 
Trụ trì Tỳ Kheo Thích Hạnh Định
 
 
PL 2556 – DL 2012
 
TIỂU SỬ XÂY DỰNG
CHÙA PHẬT LINH
 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Kính bạch chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni!
Kính thưa quý Phật Tử xa gần!
Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu:
“Mái Chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”.
 

Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó, ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào về văn hóa truyền thống phong tục tập quán của người  dân Việt, đặc biệt về tín ngưỡng Phật giáo. Qua đó, chúng ta thấy rằng mái Chùa luôn luôn gắn liền với đất nước và dân tộc, không thể tách rời nhau. Mái Chùa có trang nghiêm bao nhiêu, thì đó cũng đóng góp một phần làm nền tảng đạo đức nhân loại nói chung, cho đất nước dân tộc ta nói riêng.
Sư ông thượng Pháp hạ Minh, thế danh Huỳnh Văn Kiệm đã tìm đến miền đất nầy tọa lạc mặt đường trên quốc lộ 51 cách thành phố Bà Rịa 10 km và làm lễ đặt đá vào năm 1972. Năm 1973 Sư ông cùng với ban hội tự khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo. Công trình xây dựng gặp nhiều khó khăn về kinh tế và trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Do đó, công trình xây dựng kéo dài mãi đến năm 1976, thì sư ông viên tịch và để lại ban hội tự cùng hàng môn đồ hiếu quyến bơ vơ.
Sư cô thích nữ Vạn Thanh, thế danh Huỳnh Thị Hoa, là con gái thứ sáu của sư ông, xuất gia với hòa thượng thượng Trí hạ Minh tại chùa Khuông Việt ở vương quốc Na Uy. Sau đó, sư cô về Việt Nam y chỉ với hòa thượng thượng Đồng hạ Quy, trưởng ban trị sự tỉnh BR-VT. Sư cô về trụ trì chùa Phật Linh. Sư cô cùng với ban hội tự cũng luôn luôn quyết tâm trùng tu lại ngôi Tam Bảo như hoài bão của sư ông trước kia. Sư cô  vừa lo giấp tờ trùng tu và lo đắp vá ngôi chánh điện xuống cấp. Sư cô thường nói với Phật Tử: “Tôi nhìn thấy ngôi Tam bảo mới hình thành, rồi tôi mất cũng mãn nguyện”. Đến khi bắt đầu thi công xây dựng ngôi Tăng xá, thì bệnh nặng bộc phát. Tháng 01đầu năm 2007, sư cô viên tịch. Cho nên, sư cô cũng không thực hiện được ước nguyện nói trên.
 

 
Đại đức Thích Hạnh Định là con trai của sư cô trụ trì. Thầy làm việc ở Ấn Độ về và cùng với ban hội tự tiếp tục lo việc trùng tu ngôi Tam Bảo. ĐĐ Thích Hạnh Định  xuất gia với hòa thượng thượng Như hạ Điển tại chùa Viên Giác ở Hannover – Đức Quốc. Năm 2007 thầy cùng với ban hội tự khởi công xây dựng. Theo ước tính của công ty xây dựng công trình chi phí khoảng 1,4 tỷ đồng, làm khoảng 8 tháng. Ban hội tự lúc bấy giờ chỉ có vài trăm triệu, không đủ để thuê công ty xây dựng, nhưng cũng may các anh em Phật tử đã có kinh nghiệm về xây dựng lâu năm, phát tâm giúp đỡ làm phần móng trước, sau đó thì kinh phí khó khăn, nên tạm ngưng vài tháng. Sự tiến hành Công trình bị lệ thuộc vào sự ủng hộ của Phật tử, cũng như bà con trong gia đình. Do đó công việc cứ từ từ.
Chúng tôi còn nhớ đầu mùa mưa năm 2008, thầy Hạnh Định và anh Thắng (chú em bà con) cùng hai anh Phật tử (anh Đẹp và anh Dọn) mua toang về để đổ mấy chục cây cột tròn bê tông nầy. Mỗi cây cột phải đổ từ 3 đến 4 ngày mới xong. Những  ngày trời mưa to thì có thể kéo dài thêm. Đây là một trong những kỷ niệm khó quên trong công trình xây dựng ngôi Tam Bảo này. Khi làm xong phần cột thì bí, không ai biết làm phần mái cả. Lúc đó, mọi người phải tìm người thợ chuyên môn làm Chùa. Gần hai tháng mới tìm được anh Quang Phật tử hứa khả giúp đỡ làm phần mái chùa cho. Lúc đó, mọi người đều vui mừng làm sao!
Trong thời gian làm phần mái kéo dài hơn cả nữa năm, mà lại gặp tình hình kinh tế khó khăn vật giá leo thang xi măng, sắt thép giá cả lên vùn vụt, làm cho kinh phí tăng ngoài dự tính. Ban hội tự phải đi vay mượn tiền thêm để chi trả công thợ hằng tuần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhờ quý vị Phật tử bên vật tư xây dựng, công ty đá hoa cương, công ty tượng đá non nước, đã giúp cung cấp vật tư thiếu .v.v. Nhờ vậy, công trình xây dựng từ từ và hoàn thiện đến ngày hôm nay. Ban hội tự tính ra phần chi phí cho công trình là 2,8 tỷ, và phần tiền vay mượn và thiếu nợ tiền vật tư là 740, triệu đồng. Tổng chi phí tất cả khoảng hơn 3,5 tỷ đồng. Thật ra, ban hội tự rất mừng thứ nhất là hoàn tất hoài bão của sư ông và  thứ hai là thời gian dài trong quá trình thi công không có tai nạn gì xảy ra cả. Tuy vậy, ban hội vẫn còn lo; lo vì tiền vay mượn và thiếu nợ vật tư vẫn còn đang chờ đợi sau lễ khánh thành nầy. Nghĩ lại, qua quá trình xây dựng nầy không phải chỉ có 3 năm, mà thật ra đã gần 40 năm rồi và đã trải qua 3 thế hệ . . . sự hiện diện ngôi Tam Bảo nầy đã phải mất biết bao thời gian, biết bao công sức và tiền của những người đi trước và những người đi sau. Quý Thầy thường dạy: “xây dựng một ngôi Tam Bảo đã khó như vậy, huống chi xây dựng con người đạo đức lại càng khó hơn”.
Hôm nay trong bầu không  khí vui mừng hớn hở của buổi lễ khánh thành, với sự chứng minh của chư Tôn Đức Tăng Ni và sự tham dự đông đảo của quý Phật tử xa gần đã làm cho buổi lễ vô cùng trang trọng . . .    
Chúng con toàn thể trong ban hội tự chùa Phật Linh, thành tâm cảm niệm tri ân Sư Phụ (thượng Như hạ Điển) cùng chư Tôn Đức Tăng Ni đã giúp đỡ hổ trợ từ tinh thần đến vật chất; xin cảm niệm chính quyền các cấp giúp đỡ tạo điều kiện mọi phương diện và chúng tôi xin cảm niệm công đức quý Phật tử trong nước và ở Âu Châu, Mỹ Châu, .v.v. đã cúng dường tịnh tài, tịnh vật trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.
Chúng con xin chấp tay cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ Sư Phụ cùng chư Tôn Đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ; và chúng tôi cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ quý Phật tử luôn được nhiều phúc lạc, gặp nhiều thắng duyên trên bước đường tu học giải thoát . 
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!
Chùa Phật Linh ngày 04/07-2009
Tỳ kheo Thích Hạnh Định
TIỂU SỬ TRỤ TRÌ CHÙA PHẬT LINH
Tỳ kheo Thích Hạnh Định
 
Chư Tôn Đức có dạy:
“Nhứt nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng,
Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.”
 Đại đức trụ trì chùa Phật Linh thế danh là Đỗ Đình Bình, sanh năm 1972, tại thành phố Sài Gòn – Việt Nam, cha là bác sĩ Đỗ Đình Phẩm, làm tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mẹ Huỳnh Thị Hoa, là hướng dẫn viên hành hương. Thời niên thiếu đi học phổ thông đến lớp 11, cùng năm ấy 1989, thầy theo mẹ đi đoàn tụ gia đình tại thủ đô Oslo - vương quốc Nauy. Sang Nauy thầy học nghề sức khỏe môi trường xã hội; sau đó đi làm nhân viên siêu thị Rimi. Thầy xin quy y Tam Bảo với hòa thượng thượng Minh hạ Trí tại chùa Khuông Việt – Nauy, pháp danh là Minh Định. Mặc dù ở xứ lạ quê người, nhưng thầy cũng thường tới chùa tu học Phật pháp thường xuyên. Năm 1995, Thầy cùng mẹ đi hành hương Ấn Độ và nhờ vậy, sau 2 năm, thầy sang chùa Viên Giác ở thành phố Hannover - Đức Quốc, phát tâm xuất gia với hòa thượng thượng Như hạ Điển vào ngày 31 tháng 07 năm 1997, được pháp tự là Hạnh Định. Một năm sau, thầy thọ Sa Di vào ngày 16 tháng 05 năm 1998. Sau thời gian tu học 5 năm, thầy thọ Tỳ Kheo giới, pháp hiệu là Giác Niệm vào ngày 01 tháng 07 năm 2001.
Năm 2003, thầy được Sư Phụ đề cử sang Ấn Độ làm tri sự Trung Tâm Tu Học Viên Giác và đồng thời phụ lo Phật sự của chùa Phật Linh ở Việt Nam. Tháng 10 năm 2006 thầy trở về Việt Nam trực tiếp đại trùng tu chùa Phật Linh; sau 4 năm xây dựng, công trình hoàn thành. Chùa Phật Linh chính thức tổ chức lễ khánh thành vào ngày 4 và 5 tháng 07 năm 2009; kể từ đó sinh hoạt tu học bắt đầu phát triển mãi đến ngày hôm nay.
Ước nguyện của thầy là lập đạo tràng Tịnh Độ ở chùa Phật Linh để cho mọi người đến tu học, ngõ hầu báo đáp ân đức Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tôn Đức.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Chùa Phật Linh mùa An Cư, ngày 30/06/2012
Tỳ kheo Thích Hạnh Định
  
TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH TRONG TU VIỆN
 
MỤC LỤC
 I. Lời giới thiệu............................................................ 10
II. Điều kiện cho người xuất gia:.............................. 11
III. Nội quy và điều lệ trong chúng:.......................... 12
IV. Tổ chức:................................................................. 14
V. Thời khóa hằng ngày:........................................... 19
VI. Chương trình học:................................................ 20
VII. Bổn phật của người phật tử tại gia.................. 24
VIII. Bổn phận người xuất gia.................................. 27
IX. Kỷ cương của người xuất gia............................. 30
X. Vài lời cảnh tỉnh trong chúng............................... 37
XI. Những chướng ngại cho người tu đạo ……
 
I. LỜI GIỚI THIỆU: 
          Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là : “Khai ngộ chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Vì mục đích nói trên, chư Phật mới thiết lập Đạo tràng Tịnh Độ để hóa độ chúng sanh thoát khỏi kiếp sanh tử luân hồi.
          Chúng tôi ước muốn chùa Phật Linh sẽ sinh hoạt tu học cho người xuất gia và tại gia như một viện chuyên tu. Đệ tử Phật gồm có người xuất gia và người tại gia. Người xuất gia là người duy trì và phát huy mạng mạch Phật Pháp, còn người tại gia là ủng hộ, bảo vệ cho ngôi Tam Bảo. Nhưng cả hai cũng đều phải giữ gìn Giới luật và thực hành lời dạy của Đức Phật một cách nghiêm túc. Ngõ hầu mới có thể chứng nghiệm và đạt được sự an lạc thiết thực qua kinh nghiệm bản thân.
Trong xã hội có rất nhiều thành phần, nhưng nếu không có luật pháp, thì cũng dễ xảy ra sự hỗn loạn và mất trật tự an ninh, hoặc trong gia đình không có nề nếp giáo dục rõ ràng, cũng có thể đưa đến mất hạnh phúc . . . Tự viện là nơi tập trung người tu học ở khắp nơi thì cũng không thể không có những ưu khuyết điểm xảy ra. Vì lẽ đó, chúng tôi cũng cố gắng làm bảng nội quy, tổ chức sinh hoạt tu học theo sự chỉ dạy của chư Tôn Đức, để cho cả hai hàng đệ tử của Phật có phương chỉ nam hướng tới tu học một cách dễ dàng. Chủ trương tu học của Tự Viện là Thiền Tịnh Song Tu, “Cầu sanh Tịnh Độ”. Nếu như mọi người ai cũng biết tu và biến tâm mình thành Tịnh Độ, thì từ trong gia đình, tới xã hội, đất nước và cả thế giới nầy sẽ được an vui, hòa bình.
Chúng tôi cố gắng hết sức mình tạo duyên lành cho mọi người hướng đến mục đích nói trên, ngõ hầu báo ân phần nào cho sự dày công hoằng hóa của Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tổ Sư trong vô lượng số kiếp qua.
Mùa An cư chùa Phật Linh
Ngày 26/05-2005 (nhằm ngày 19/04 ÂL)
Tỳ kheo Thích Hạnh Định

 II. ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI XUẤT GIA:      
       Người xuất gia là gia nhập vào thành viên của Tăng đoàn, là người đại diện cho Phật giáo, cũng là người lãnh đạo tinh thần cho Phật tử. Do đó, người xuất gia phải biết những điều sau đây:
  1. Nộp giấy chứng minh nhân dân
  2. Nộp giấy xác nhận độc thân. Trường hợp, bạn đã lập gia đình rồi, thì bạn phải nộp giấy xác nhận ly dị.
  3. Nộp giấy sơ yếu lý lịch có xác nhận địa phương.
  4. Nộp giấy khám sức khỏe.
  5. Nộp đơn xin xuất gia.
  6. Bạn dưới 18 tuổi, bạn nộp giấy phép của cha mẹ. Nếu người có gia đình, thì người vợ (Hay chồng) phải viết giấy chấp thuận cho chồng đi xuất gia.
  7. Người xin xuất gia phải đủ lục căn như: Không đui mù, không câm ngọng, không điếc tai, không tàn tật, không bị bệnh tâm thần, .v.v.
  8. Nộp bằng cấp III trường phổ thông trung học. Trừ khi, bạn dưới 18 tuổi hay hơn 40 tuổi.
  9. Không thiếu nợ hay vi phạm luật pháp quốc gia.
  10. Không có công việc làm ràng buộc trong gia đình và xã hội.
  11. Cấm sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hút thuốc, uống rượu, dùng chất say, đánh bài, cá độ đá banh, đánh đề, vay nợ, cho vay, hay buôn bán làm ăn .v.v.
  12. Người xuất gia không được rời bỏ Tăng đoàn và sống riêng lẻ như người thế tục.
  13. Tất cả đại chúng đều phải theo thời khóa hằng ngày, tuân thủ nội quy và làm các công việc của chúng Tăng.
  14. Cấm nói xấu, đánh lộn với nhau. Đại chúng phải sống hòa hợp trong Tăng đoàn. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái; Bạn có thể xin phép đến tu viện khác tu học. Nhưng không được nói xấu Tăng đoàn.
          Trường hợp, bạn không đủ điều kiện nói trên. Bạn không thể xuất gia được.

 III. NỘI QUY VÀ ĐIỀU LỆ TRONG CHÚNG:
          Mục đích của đời sống người xuất gia là đạt định và huệ. Do đó, người xuất gia nên dùng hết thời gian của mình để học Phật pháp và tu tập thiền định, thiền quán. Tuy nhiên, người xuất gia cũng phải theo những nội quy chung trong tu viện. 
  1. Hành giả không nên đi ra ngoài quá nhiều. Trừ khi đi học, đi bác sĩ, đi thăm cha mẹ, người thân khi bệnh tật hoặc có đám tang người thân thuộc. Tuy nhiên, đi đâu cũng phải xin phép Sư Phụ và tác bạch đại chúng.
  2. Đại chúng có thể tiếp khách tại phòng khách và nơi công cộng. Không được tiếp khách nơi vắng vẻ.
  3. Chúng Tăng phải hoàn thành công việc được phân công.
  4. Chúng Tăng phải luôn có mặt đúng giờ trong các thời khóa tu. Ngoài trừ bệnh tật hay lý do chính đáng.
  5. Hành giả không được lười biếng trong lúc đại chúng làm việc.
  6. Tất cả chúng Tăng có trách nhiệm giữ gìn tài sản của Tam Bảo nói chung, tu viện nói riêng.
  7. Chúng Tăng phải xin phép khi đi ra ngoài. Chúng Tăng phải thông báo quản chúng khi về trễ.
  8. Ai muốn xin qua tu viện khác tu tập, thì bạn xin tác bạch đại chúng.
  9. Tất cả người xuất gia không được phép tham gia hội đoàn chính trị hoặc hội đoàn xã hội, .v.v.
  10. Khi bạn rời khỏi tu viện và Tăng đoàn thì bạn phải có trách nhiệm với chính mình.
  
IV. TỔ CHỨC:
          Trong công việc nào cũng là vấn đề, nếu chúng ta không biết cách sắp xếp giải quyết. Nhất là trong cộng đồng, xã hội, cũng như quốc gia cần phải biết cách tổ chức, điều hành nhân sự và công việc sao cho thích hợp thì vấn đề mới vắng mặt. Nhiều Tự Viện có đông người ở chung như một cộng đồng hay một xã hội nhỏ thì cũng rất cần thiết cho việc tổ chức đúng đắn. Do đó, Chư Tôn Đức soạn ra phương cách tổ chức điều hành trong Tự Viện như sau:
 
1. Ban tổ chức:
  1.1. Trụ trì: Chịu trách nhiệm hướng dẫn tu hành và quyết định xem xét tổng quát toàn bộ Tự Viện.
  1.2. Phó trụ trì: Thay thế Trụ Trì khi vắng mặt hoặc được giao phó một trách nhiệm trong tự viện.
  1.3. Ban giáo thọ: Ban giáo thọ là Sư Phụ hoặc là quý thầy Giảng sư.
  1.4. Thư ký: Gìn giữ những văn kiện, thư từ quan trọng của Tự Viện. Soạn thảo văn thư và liên lạc qua lại với Giáo Hội, Chánh Quyền, Phật Tử.
  1.5. Thủ quỹ: Giữ tài chánh của Chùa.
  1.6. Quản chúng: Có trách nhiệm sắp đặt việc tu hành của toàn Chúng. Chủ lễ trong các buổi lễ, xem xét nhắc nhở sự tu hành, đạo đức và tật bệnh của Chúng.
  1.7. Phó quản chúng: Có trách nhiệm thay thế quản chúng khi vắng mặt và nhận một công tác đặc biệt do quản Chúng giao phó.
 1.8. Tri sự: Sắp đặt phân công nhân sự trong mọi công việc của Tự Viện. Phân chia vật dụng cho Chúng.
 1.9. Tri khách: Tiếp xúc các Phật tử và sắp đặt nơi ăn ở cho khách. Nếu khách cần ở lại, hướng dẫn xin và trình giấy với chính quyền.
  1.10. Tri khố: Mua sắm những thức ăn uống, sắp đặt cho ban trực nhật nấu nướng những thức ăn thích hợp với nhu cầu cần thiết cho chúng.
  1.11. Hương đăng: Lau quét điện Phật, trang trí cúng hoa quả và hướng dẫn Phật tử hành hương lễ Phật.
  1.12. Tri viên: Trồng trọt và trông coi săn sóc toàn bộ hoa kiểng trong khuôn viên Tự viện.
  1.13. Ban nghi lễ: Sắp xếp tụng niệm các lễ đám.
 
2. Bầu ban chức sự:
          Đức Phật thành lập Tam Bảo để cho chúng sanh nương tựa lâu dài. Sau khi, đức Phật nhập Niết Bàn, thì Tăng đoàn thay đức Phật duy trì Phật bảo và pháp bảo. Tất cả chư Tăng đều phải nương tựa tổ chức của Tăng đoàn và sống hài hòa trong Tăng đoàn. Chùa là nơi thờ Tam Bảo (Phật, pháp, Tăng). Vị trụ trì là người đại diện cho Tăng đoàn để duy trì Tam Bảo. Do đó, tất cả tài sản của chùa là thuộc về tài sản của Tam Bảo nói chung, Tăng đoàn nói riêng.
          Có những vị trụ trì là người sáng lập chùa. Vị nầy có công đức lập Chùa, nhưng không có nghĩa là chùa nầy là tài sản riêng của vị trụ trì. Ngôi chùa là do sự đóng góp công sức, tiền tài và vật chất của các tín đồ Phật giáo xa gần. Họ cúng dường làm chùa để duy trì Tam Bảo (Phật, pháp và Tăng đoàn). Chứ họ không có cúng dường cho vị trụ trì làm tài sản riêng. Nếu vị trụ trì nghĩ rằng chùa nầy là tài sản riêng của mình thì vị nầy là người ăn cướp tài sản của Tam Bảo. Chùa là thuộc về của Tăng đoàn. Cho nên, chư Tăng nào ở tu học cũng được, nhưng phải theo chương trình sinh hoạt và nội quy của chùa đó.
          Trường họp, vị trụ trì một mình quản lý chùa, thì vị nầy có trách nhiệm chăm lo một mình. Nếu chùa có 4 vị tỳ kheo trở lên, nghĩa là chùa có đủ Tăng đoàn. Vì thế, vị trụ trì có trách nhiệm tổ chức tác pháp yết ma theo Tăng đoàn hay nói cách khác là bầu ban chức sự để diều hành sinh hoạt Tăng chúng trong chùa. Do đó, Tăng chúng nên tìm hiểu những điều dưới đây.
    2.1. Các Vị được bầu do phiếu bầu hơn 51 phần trăm trở lên của các Vị trong Tăng đoàn.
    2.2. Nhiệm kỳ bầu là 5 năm. Bầu ban vào ngày 1/12 và thừa nhiệm vào đầu năm ngày 01/01.
   2.3. Tăng đoàn quy định các vị trong Ban chức sự (Ban điều hành) sau nhiệm kỳ 5 năm tự động mãn nhiệm kỳ. Tăng đoàn phải bỏ phiếu bầu ban chức sự mới.
    2.4. Nếu vị nào từ chức  có lý do chính đáng, thì Tăng chúng phải chấp thuận và bầu người mới.
    2.5. Nếu vị nào trong ban chức sự vi phạm lỗi lầm lớn như giới luật, luật pháp quốc gia, làm tai tiếng cho giáo hội Phật giáo, Tăng đoàn và tín đồ Phật giáo, mà Tăng chúng có chứng cớ, thì Tăng chúng sẽ họp cách chức và bỏ phiếu bầu lại. Phiếu bầu hơn 51% sẽ được chấp thuận.
   2.6. Trước khi bầu cử, Tăng chúng phải được thư mời và phiếu bầu. Trường hợp ai không có mặt bỏ phiếu vào ngày bầu cử, thì coi như phiếu bầu nầy bị hủy bỏ và không có giá trị. Dù cho, vị nầy có bất cứ lý do gì.
    2.7. Ban chức sự đã được quyết định bầu cử rồi, thì đại chúng nên chấp nhận vui vẻ mà cộng tác làm việc. Những vị được bầu là những người đại diện Tăng chúng tạm thời 5 năm để chăm lo cho Tam Bảo, Tăng đoàn và tín đồ Phật giáo. Cho nên, mọi người không cần phải tranh chấp với nhau về chức vị lãnh đạo.
    2.8. Tất cả những vị trong ban chức sự đều phải nộp sơ yếu lý lịch. Tăng chúng phải xem họ có trốn nợ hay vi phạm luật pháp quốc gia hay không? .v.v.
    2.9. Nếu nhân sự nào muốn từ chức thì phải nộp đơn xin từ chức cho ban Tăng sự.
    2.10. Mỗi tháng họp 2 lần vào tối 15 ÂL và ngày 01 đầu tháng để báo cáo chi thu và các công việc Phật sự.
    2.11. Trường hợp các vị ban chức sự vắng mặt buổi họp phải báo trước, nếu quá 10 lần vắng mặt trong năm mà không báo, thì Tăng chúng thay đổi nhân sự mới.
    2.12. Các vị ban chức sự đại diện Tăng chúng đều phải được tuyển chọn người có học, có tu, có tư cách đạo đức.
    2.13. Mọi người đều có quyền đề nghị việc chung của Tăng chúng. Nhưng những vị nào nói xấu,  có gây xung đột, chia rẽ trong Tăng chúng. Nếu Tăng chúng có đầy đủ bằng chứng nói trên, thì Tăng chúng có quyền cách chức họ.
    2.14. Sau khi bầu cử rồi, thì các người đại diện phải phát nguyện phụng sự Tam Bảo trước đại chúng.
    2.15. Tăng chúng quy định sinh hoạt các Phật sự thuộc về Phật giáo. Các sinh hoạt chính trị và xã hội không được đem vào trong Tăng chúng và chùa để sinh hoạt.
 
3. Tài chánh cúng dường:
Tiền cúng dường Tam Bảo được chia ra cúng Phật, Pháp và Tăng đoàn như sau:
     3.1. Cúng đức Phật:
- Cúng bông, trái cây, nhang, đèn, .v.v. 
    3.2. Cúng pháp:
- In Kinh sách .v.v..
    3.3. Cúng Tăng đoàn:
          - Chi phí cho ẩm thực hằng ngày.
          - Chi phí tứ vật dụng cho Tăng đoàn.
          - Chi phí học hành.
          - Chi phí phần y tế tật bệnh cho Tăng đoàn.
          - Chi phí tiền điện, nước, Điện thoại, TV, internet, .v.v. hằng ngày.
          - Tri sự có thể cúng dường cho chúng một ít để chi tiêu cá nhân, Nếu có dư.
          - Tất cả chúng nhận cúng dường thì phải cúng dường lại Tam Bảo một nửa để nuôi chúng.
    4. Chi phí cho duy trì tự viện:
- Chi tiêu cho duy trì xây dựng sửa chữa tự viện.
    
V. THỜI KHÓA HẰNG NGÀY:
04 giờ                  Thức Chúng
04 giờ 15             Hô chuông
04 giờ 30             Tọa thiền
05 giờ                  Công phu khuya
07 giờ                  Tảo thực
07 giờ 30             Chấp tác
08 giờ 30             Học Chúng
10 giờ                  Cúng ngọ
11 giờ                  Ngọ trai
12 giờ                  Chỉ tịnh
13 giờ 30             Thức Chúng
14 giờ                  Tham thiền, niệm Phật
15 giờ 30             Công phu chiều
17 giờ                  Vãn thực
  1. giờ 30            Tịnh độ
19 giờ 30             Tọa thiền
22 giờ 00             Chỉ tịnh
       Sáng ngày 14, 30 ÂL chư Tăng Bố-tát; Tối rằm họp Chúng.
  •   Sau lễ Sám hối, có bố tát cho Phật tử và thuyết giảng.
  • Mỗi tháng tổ chức Bát Quan Trai 1 lần.
 VI. CHƯƠNG TRÌNH HỌC:
          Nhiều người nghĩ rằng đi tu theo đạo Phật là ăn mặc và sống khổ hạnh, cực khổ, . . . Đó là vì họ hiểu đạo Phật theo quan niệm cá nhân hay hiểu theo  kinh nghiệm cuộc sống hoặc định nghĩa cái nhìn hình thức bên ngoài nào đó, chứ họ không chịu hiểu đạo Phật theo đúng giáo Pháp của Ngài. Ở đời người ta đi tìm cuộc sống ấm no hạnh phúc, bằng cách phải nỗ lực học tập một cái nghề nào đó như Bác sĩ, Nha sĩ, kỷ sư, kiến trúc sư, .v.v. mục đích chung là để kiếm tiền để nuôi tấm thân nhỏ bé nầy. Lý do là vì thân nầy cần phải ăn uống mới duy trì được. Nhưng con người ăn uống ngủ nghỉ cũng chưa đủ, vì còn có lý trí, suy nghĩ, tình cảm, hay nói chung đó là đời sống tinh thần. Vậy, đi tu cũng không có gì lạ là học đạo, hay  nói cách khác là học giáo pháp của đức Phật. Mục đích là để thăng bằng cả hai đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Phật pháp thì bao la, nếu không biết cách nghiên cứu, hoặc không thầy hướng dẫn thì biết đâu mà mò. Vì vậy quý Thầy soạn giáo trình căn bản cho người mới tập tu học dễ dàng nương tựa.
 
    1. Người tập tu
  • Phần học thuộc lòng
  • Nghi lễ
  • Học thuộc lòng hai thời công phu.
  • Đọc cuốn nhị khóa hiệp giải. Bài này giải thích hai thời công phu.
  • Học 4 cuốn luật: Oai nghi, Tỳ Ni.
  • Pháp môn tu
  • Pháp tu Tịnh Độ.
  • Pháp tu Thiền Chỉ: Quán Sổ Tức.
  • Pháp tu Thiền Quán: Tứ Niệm Xứ, Đại Niệm Xứ, Thanh Tịnh Đạo, Ngũ Đình Tâm Quán.
  • Nhân Tu Hành Của Chư Phật.
 
ĐIỀU KIỆN TẬP TU: Người Phật tử muốn xuất gia, thì trước phải tập sự tu học ít nhất 6 tháng trở lên;  nếu là người bán thế xuất gia (nghĩa là đã có gia đình rồi mới đi tu) thì phải lâu hơn, lý do là tập khí đời nặng hơn. Trong thời gian này Thầy trò tìm hiểu nhau. Người tập tu phải có trình độ văn hóa ít nhất lớp 10 trở lên (trừ trường hợp đặc biệt) và lục căn phải đầy đủ.
 
    2. Sa Di:
  • Kinh
  • Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Duy Giáo, Kinh Bát Đại Nhân Giác
  • Luật
  • Sa Di, Quy Sơn Cảnh Sách.
  • Giáo lý
  • Bài Tứ Diệu Đế
  • 37 Phẩm Trợ Đạo
  • Thập Nhị Nhân Duyên
  • Nhân quả luân hồi
  • Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan của Phật giáo
  • Lục Độ Ba La Mật
  • Cuốn Thế Nào Đạo Phật
  • Cuốn Phật Pháp Vấn Đáp
  • Cuốn Lịch Sử Cuộc Đời Đức Phật
  • Phật Học Phổ Thông
  • Pháp số
  • Lịch sử
  • Cuộc đời Đức Phật
  • Lịch sử 33 vị Tổ Thiền Tông
  • 10 vị Đại Đệ Tử.
  • 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông.
  • Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam.
  • Ngoại ngữ
  • Hán văn
  • Anh văn Phật pháp
ĐIỀU KIỆN: Sa Di phải tu học ít nhất 5 năm trở lên để thọ Tỳ Kheo giới (trừ trường hợp đặc biệt). Nếu chưa thọ và học giới Tỳ Kheo, thì không được rời khỏi Sư Phụ.
 
    3. Tỳ Kheo
  • Nghi lễ
  • Học giới đàn Tăng
  • Hành chánh
  • Quản trị tự viện
  • Hiến Chương Giáo Hội
  • Tổ chức Giáo Hội
  • Pháp lệnh tôn giáo – Luật tôn giáo
  • Phương pháp hoằng pháp
Đối với người xuất gia
  • Qua trường Phật học
Đối với Phật tử
  • Khuyến khích các Phật tử học giáo lý căn bản tại tự viện.
  • Hoằng pháp qua các khóa tu học, Kính sách, báo chí, Truyền hình, Radio, phim, hình ảnh, âm nhạc, sinh hoạt văn hóa, từ thiện xã hội, hành hương, .v.v.
  • Kinh
  • Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh
  • Kinh Bát Nhã, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cương, Kinh Viên Giác, Kinh Lăng Già, Kinh Nikaya, .v.v.
  • Luật
  • Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luật, Thập Tụng Luật, Maha Tăng Kỳ Luật và Pali Luật.
  • Luận
  • Nhân Minh Luận, Trung Quán luận, Đại Thừa Khởi Tín luận, Đại Trí Độ Luận, Câu Xá luận, A Tỳ Đạt Ma luận, .v.v.
 
VII. BỔN PHẬT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa quý Phật tử!
Phật tử tại gia là người lập gia đình, sanh con, sanh cháu để tiếp nối dòng họ. Do đó, Phật tử lo làm ăn buôn bán để lo mái ấm gia đình. Như vậy, Phật tử tại gia là người đi theo con đường đời. Con đường đời là con đường sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, Phật tử đã quy y Tam Bảo là kết thiện duyên với Tam Bảo nói chung và đức Phật nói riêng. Phật tử thọ 5 giới của đức Phật là để tập tu trau dồi đạo đức. Vì 5 giới năm là nền tảng đạo đức của nhân sinh, nhân loại. Giữ 5 giới nầy có lợi ích hiện đời không sợ chính quyền dòm ngó; Ông tòa không có cơ hội xử tội; Chết không sợ ông Diêm Vương phán xét và không sợ đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kiếp sau sanh nhân đạo.
Phật tử xuất gia là người theo con đường đạo. Họ không lập gia đình để sống theo đời sống phạm hạnh, giới luật của đức Phật. Ngõ hầu thoát kiếp sanh tử luân hồi.
Phật tử tại gia đã biết sự khác biệt nói trên. Quý vị cũng nên lưu ý về bổn phận của mình như sau:
Phật tử tại gia đã biết sự khác biệt nói trên. Quý vị cũng nên lưu ý về bổn phận của mình như sau:
 
  1. Phật tử phải đăng ký làm lễ quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là phát nguyện nương tựa Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo hay nói cách khác là  chính thức phát nguyện theo đạo Phật. Nếu không, Phật tử chỉ là người tín ngưỡng đạo Phật.
  2. Phật tử phải tập tu 5 giới để ngăn ngừa nghiệp ác.
  3. Phật tử phải đăng ký học giáo lý căn bản. Phật tử mà không biết giáo lý đạo Phật. Vậy là không phải người đạo Phật.
  4. Phật tử phải đi lễ Phật sám hối ở Chùa gần nhà mỗi tháng 2 lần vào ngày 14 và 30 ÂL.
  5. Phật tử phải tập ăn chay mỗi tháng 2 lần  vào ngày rằm và mồng một để giảm bớt nghiệp sát và tôn trọng sự sống.
  6. Phật tử phải tập bố thí để tạo phúc báu hiện tại và mai hậu.
  7. Phật tử phải tập phóng sanh để thể hiện và phát triển lòng từ bi.
  8. Phật tử phải học tụng Kinh, niệm Phật và ngồi thiền.
  9. Phật tử nên hành trì hằng ngày tụng niệm vào buổi sáng hoặc buổi chiều để cho thân tâm được an lạc.
  10. Phật tử phải có trách nhiệm hướng dẫn con em quy y Tam Bảo và học hỏi về giáo lý đạo Phật.
  11. Phật tử đi Chùa là để thanh tịnh thân, khẩu, ý. Do đó, Phật tử  không nên qua người nầy nói xấu người kia, gây sự bất hòa trong chúng Phật tử. Điều nầy là ác khẩu.
  12. Phật tử không nên nói xấu Tăng đoàn hoặc phỉ báng Phật pháp. Nếu cá nhân làm sai. Phật tử được thưa ra Giáo hội và chính quyền giải quyết. Có như vậy mới biết đúng sai như thế nào.
   13. Phật tử không nên nghe tin đồn hay hoàn toàn tin tưởng vào báo chí và tin tức trên mạng xã hội. Phật tử nghe rồi, phải tìm hiểu nhân chứng và vật chứng cụ thể. Đó là chánh kiến.
  14. Phật tử có trách nhiệm bảo hộ và duy trì Tam Bảo. Nhưng Phật tử cúng dường hay giúp đỡ ai đó làm am cốc cá nhân, thì điều nầy là việc cá nhân, chứ không liên quan đến tài sản Tam Bảo và Tăng đoàn.
 
VIII. BỔN PHẬN NGƯỜI XUẤT GIA
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni!
“Lành thay! Đức Phật ra đời,
Lành thay! Giáo pháp cao minh,
Lành thay! Chư Tăng hòa hợp,
Lành thay! Tứ chúng đồng tu”.
         Người xuất gia là phát tâm cắt ái từ thân, rời khỏi gia đình để học đạo, tu đạo và hành đạo, hay nói khác hơn là đi theo con đường xuất thế, con đường thoát ly sanh tử luân hồi và cũng có thế nói là đi con đường Thánh đạo. Vì lẽ đó, người xuất gia cần phải lưu ý những điều sau đây:
 
Điều 1: Người xuất gia có bổn phận học đạo, tu đạo và hành đạo. Đây là nhân tu hành để thành tựu A La Hán quả, Bồ Tát quả và Phật quả.
Điều 2: Người xuất gia ăn cơm Phật, mặc áo Phật, ở nhà Phật, học lời dạy của Phật. Do đó, người xuất gia phải ăn nói, hành động và dạy đúng như lời Phật dạy. Người xuất gia không được nói Phật pháp theo ý mình. Nói chánh pháp, hành động chánh pháp và dạy chánh pháp là lời Phật dạy.
Điều 3: Người xuất gia không được nói xấu Tăng đoàn hoặc phỉ báng Phật pháp trong quần chúng xã hội hoặc trên trang mạng xã hội hay báo chí. Ai làm sai là lỗi của cá nhân người đó  chứ không phải của Tăng đoàn hay đạo Phật. Ai làm sai sẽ đưa ra Tăng đoàn hoặc tòa án xét xử.
Điều 4: Người xuất gia phải tạo uy tín cho chính mình, Tăng đoàn, Giáo hội và đạo Phật nói chung; Cho tín đồ Phật tử, quần chúng xã hội nói riêng.
Điều 5: Người xuất gia phải thể hiện tư cách đạo đức và lòng từ bi đối với mọi người và mọi vật trong tự viện và trong xã hội.
Điều 6: Người xuất gia không được tự ý đưa phim ảnh về sinh hoạt đời sống hằng ngày của cá nhân hoặc của Tăng đoàn lên mạng gây ảnh hưởng tai tiếng. Ngoài trừ tin tức Phật sự lợi ích cho mọi người.
Điều 7: Người xuất gia có bổn phận duy trì Phật bảo và pháp bảo để lại cho hậu lai.
Điều 8: Người xuất gia có bổn phận hoằng pháp cho Phật tử xuất gia, Phật tử tại gia và mọi người trong xã hội.
Điều 9: Người xuất gia không được bỏ bớt giới luật của đức Phật hoặc chế thêm giới luật cho Tăng đoàn và Phật tử.
Điều 10: Người xuất gia phải hiến dâng đời mình để phụng sự Tam Bảo, Tăng đoàn và tất cả chúng sinh để thực hành Bồ Tát đạo cứu độ chúng sinh; ngõ hầu mau chóng thành Phật đạo.
 
“Phụng sự chúng sanh là cúng dường Tam Bảo,
“Nương pháp, không nương người.
Vì người có đúng, có sai.
Nương nghĩa lý, không nương lời nói.
Vì lời nói có thể vụng về.
 
Nương Kinh có nghĩa, không nương Kinh không có nghĩa.
Kinh không ý nghĩa đưa chúng sanh đến tà kiến.
Nương trí huệ, không nương nhận thức.
Nhận thức chủ quan không đưa đến chánh kiến và trí huệ”.
 
IX. KỶ CƯƠNG CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
          Người xuất gia là một vị Tăng. Tăng là một thành viên của Tăng đoàn và của giáo hội. Do đó, hình ảnh và sự tu hành cá nhân của một vị Tăng đóng vai trò rất quan trọng đối với Tăng đoàn. Ví dụ: Nếu vị Tăng có tài đức, thì họ sẽ góp phần tiếng thơm cho Tăng đoàn, cho Giáo Hội và Phật giáo. Ngược lại, nếu vị Tăng làm tội, thì họ gây ra tiếng xấu trong quần chúng, ảnh hưởng trực tiếp đến Sư Phụ nói riêng, đến Tăng đoàn nói chung, .v.v.
         Thời gian gần đây, Tăng Ni rời khỏi Sư Phụ và Tăng đoàn sống riêng lẽ như ở Am Cốc hay tịnh thất,.v.v. Người xuất gia là ra khỏi gia đình để nương tựa Tam Bảo, nương tựa Thầy Tổ, nương tựa Tăng đoàn .v.v. Nhưng nếu người xuất gia sống riêng lẽ ở tịnh thất, thì họ cũng giống như tu tại gia rồi. Nếu họ có qua đời, thì gia đình đem về nhà làm lễ tang như người thế tục. Họ gần như hoàn toàn cắt đứt liên hệ với Sư Phụ, thầy Tổ, huynh đệ, .v.v. Ở đời, người ta còn biết ai là cha mẹ; Ai là anh em. Họ còn có cha mẹ nguồn gốc từ đâu rõ ràng. Huốn chi, người xuất gia học đạo đức tu hành làm Phật, mà họ không biết Thầy Tổ, huynh đệ là ai; Người xuất gia mà không có nguồn gốc Thầy Tổ, thì họ từ đâu ra. Vậy là họ thua cả người đời.
        Tệ nạn hơn nữa, một số Tăng Ni ở riêng lẽ bắt đầu hút thuốc, uống rượu bia, đánh đề, đánh bài, cá độ đá banh, vay nợ và có vợ .v.v.
Trong nước và hải ngoại cũng có một số Tăng Ni đi làm Nails, bỏ báo, mở nhà hàng, buôn bán làm ăn đủ mọi hình thức, .v.v. Mục đính kiếm tiền sanh nhai, mà họ không còn nghĩ đến việc tu hành, gây sự chê bai của quần chúng xã hội, gây ảnh hưởng uy tín Tăng đoàn và làm mất lòng tin của tín đồ Phật giáo. Vì lý do nói trên, Chư Tăng phải có những kỷ cương, nội quy để bảo vệ uy tín cho Tăng đoàn nói chung, cá nhân nói riêng.
 
Ý nghĩa xuất gia:
    1. Xuất gia là xuất thế tục gia. Xuất thế tục gia là ra khỏi gia đình cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu, bạn bè, hay nói cách khác là ra khỏi gia đình thế tục. Mục đích là nương tựa Thầy Tổ học đạo, nương tựa Tam Bảo để ở, nương tựa Tăng đoàn để tu hành.
    2. Xuất phiền não gia: Xuất phiền não gia là tu học để diệt phiền não khổ đau hằng ngày của chính mình. Phiền não đoạn diệt, thì an lạc và Niết Bàn xuất hiện.
    3. Xuất tam giới gia: Xuất giới gia là ra khỏi căn nhà luân hồi của tam giới như dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
    4. Xuất gia là học đạo, tu đạo và hành đạo để tiếp nối mạng mạch Phật giáo.
    5. Xuất gia là để tu tập theo hạnh của Đức Phật sao cho thân tâm nhẹ nhàng và sớm ngày thành Phật để thoát ly sanh tử luân hồi. Con đường thoát ly sanh tử luân hồi là con đường xuất thế. Con đường xuất thế là con đường Thánh đạo. Do đó, người xuất gia là người biết hướng thiện, hướng thượng và hướng đến sự giác ngộ, giải thoát. Vậy, ý nghĩa xuất gia là vô cùng cao thượng và giá trị.
 
Bổn phận Sư Phụ:
    1. Sư phụ nhận đệ tử xuất gia có bổn phận lo cho đệ tử từ vật chất, bệnh tật đến tinh thần. Nếu sư phụ không khả năng lo vật chất, thì sư phụ không nên nhận đệ tử. Vì người đệ tử sẽ nương tựa vào đâu? Chẳng lẽ, đệ tử phải nương tựa gia đình hay là đi làm kiếm tiền?
    2. Sư phụ phải có trách nhiệm dạy Kinh, Luật, Luận và pháp môn tu, kinh nghiệm tu hành cho đệ tử. Nếu sư phụ bận rộn việc Phật sự Giáo Hội hoặc không khả năng dạy học, thì sư phụ có thể gởi đệ tử cho vị thầy Y Chỉ Sư hoặc cho đến thiền viện hay trường Phật học để tu học. Nếu không, thì người đệ tử uổng một kiếp tu hành.
    3. Nếu Sư Phụ không phải là minh sư hay có gia đình, thì đệ tử có thể xin tìm minh sư khác để nương tựa học đạo; Hoặc đệ tử xin sư phụ sang thiền viện hay trường Phật học khác để tu học.
    4. Sư Phụ nhận đệ tử là có trách nhiệm dạy dỗ và quản lý đệ tử. Vì nếu đệ tử đi làm gì sai phạm hay ảnh hưởng đến xã hội, Giáo Hội, Tăng đoàn và Phật giáo, .v.v. thì Sư phụ là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Nếu đệ tử tự xuất chúng bỏ đi, hoặc ra đời thì Sư phụ phải báo cho Giáo Hội biết, đặc biệt là phải thu hồi các giấy tờ tu sĩ như giấy chứng điệp, giấy Tăng tịch, .v.v. Nếu Sư phụ không thu được giấy tờ tu sĩ của đệ tử, thì Sư phụ phải báo cho Giáo Hội để ứng phó. Vì điều nầy để tránh trường hợp lạm dụng giấy tờ tu sĩ để đi gạt người khác.
    5. Người đời đều có nguồn gốc cha mẹ; Người xuất gia cũng phải có nguồn gốc thầy Tổ. Nếu đệ tử muốn xuất chúng, không muốn nương tựa Sư phụ, thì đệ tử có thể xã giới và xuất gia, làm đệ tử với một vị Sư phụ khác. Như vậy, vị Sư phụ mới sẽ có trách nhiệm trực tiếp dạy dỗ và quản lý đệ tử. Hoặc trường hợp, đệ tử tìm được một vị Sư phụ khác chịu nhận họ làm đệ tử, thì Thầy bổn sư sẽ bàn giao cho Sư Phụ mới dạy dỗ và quản lý họ mà không cần phải hoàn tục và xuất gia lại. Nhưng vị bổn sư phải nên làm giấy tờ bàn giao. Tại sao phải làm vậy? Người xuất gia là người tu đạo, làm Thánh, làm Phật, mà người tu đạo nầy không có nguồn gốc thầy Tổ và không tôn Sư, trọng đạo, thì người tu đạo nầy là người gì? Vậy, họ là thua đạo đức của một người đời.
    6. Sư phụ không nên dạy đệ tử hoạt động chính trị, kinh doanh hoặc bảo đệ tử buôn bán kiếm tiền.
 
Bổn phận đệ tử:
    1. Người xuất gia là tìm thầy học đạo, tu đạo và hành đạo. Vậy, người xuất gia học đạo là để trao dồi đạo đức cá nhân; Đồng thời, Người xuất gia hướng đến sự thoát ly sanh tử luân hồi. Do đó, người xuất gia phải có sự tôn Sư trọng đạo, kính người trên và nhường người dưới. Người đời còn biết kính trọng cha mẹ; Huốn chi, người học đạo tu hành làm Thánh, làm Phật mà không tôn kính Thầy Tổ và coi trọng đạo đức hay sao?
    2. Người xuất gia không được nói xấu Thầy Tổ, huynh đệ, Tăng đoàn. Nhưng mọi người đều có quyền viết đơn góp ý xây dựng gởi lên Sư Phụ và Giáo Hội.
    3. Người xuất gia đi đâu và làm gì đều phải báo cáo cho đại chúng biết. Nếu không sẽ bị phạt.
    4. Người xuất gia có bổn phận học tu đúng chánh pháp và nói đúng lời dạy của Đức Phật trong Kinh. Người xuất gia không được nói Phật pháp theo quan niệm cá nhân.
    5. Người xuất gia phải xác định một là ở Chùa sống theo sinh hoạt của thiền môn; Hai là hoàn tục ở nhà sống theo người thế tục. Nếu người xuất gia cảm thấy không tu được, không sống theo sinh hoạt của Tăng đoàn và sinh hoạt thiền môn được thì xin Sư Phụ xã giới hoàn tục. Vì người xuất gia không sống theo sinh hoạt thiền môn, thì họ phải sống theo sinh hoạt thế tục. Nếu sống theo sinh hoạt thế tục, thì hoàn tục tốt hơn.
    6. Nếu người xuất gia muốn lập gia đình, thì xin Sư Phụ hoàn tục.
    7. Nếu người xuất gia muốn hoạt động chính trị hay làm ăn kinh doanh, thì xin Sư Phụ xã giới hoàn tục.
    8. Nếu người xuất gia vi phạm tội luật pháp quốc gia, thì xin Sư Phụ xã giới hoàn tục.
    9.  Nếu người xuất gia vi phạm giới lấy vợ thì xin Sư Phụ xã giới hoàn tục.
    10. Người xuất gia cảm thấy pháp môn tu hay sinh hoạt của Chùa nầy không thích hợp thì có thể xin sang chùa khác để tu học. Nhưng không được phép ra ở riêng hay ở nhà gia đình.
    11. Người xuất gia không được phép ra ở riêng như am cốc hay tịnh thất và sống như người thế tục như ăn thịt, uống rượu bia, hút thuốc, đánh bài, đánh đề, cá độ đá banh, vay nợ, cho vay lấy lãi, đi làm nhà hàng, mở nhà hàng, các hình thức kinh doanh khác .v.v. Trường hợp, vị trụ trì vi phạm những điều trên hoặc bán Chùa bất cứ mọi hình thức, thì vị nầy sẽ đưa ra giáo hội xã giới và đưa ra tòa án để chịu hình phạt của pháp luật.
    12. Người xuất gia được ở tịnh thất tu tập riêng khi sư phụ cho phép. Trừ khi tịnh thất nằm trong khuông viên của Tự Viện.
    13. Nếu người đệ tử tự bỏ Thầy đi ở am cốc hay tịnh thất, không có sự đồng ý Sư Phụ và cắt đứt sự liên hệ của Thầy Tổ, Tăng đoàn. Vậy, họ không phải đệ tử học đạo. Sư Phụ sẽ triệu về cho xã giới hoàn tục. Nếu đệ tử nầy không tuân thủ, thì Sư Phụ có thể sẽ đưa ra Giáo Hội xã giới hoàn tục. Vì người xuất gia mà không có nguồn gốc Thầy Tổ sẽ ảnh hưởng đến Phật giáo sau này. Sau khi hoàn tục, người đệ tử này được xin xuất gia với người khác.
“Y pháp bất y nhân
Y nghĩa, bất y ngữ
Y Trí, bất y thức
Y Kinh liễu nghĩa, bất y Kinh bất liễu nghĩa”.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con đã đọc rõ ý nghĩa xuất gia nói trên. Con đồng ý chấp thuận và cam kết tuân thủ kỷ cương nầy.
Ký tên
 
X. VÀI LỜI CẢNH TỈNH TRONG CHÚNG
 (Mỗi tháng đọc 1 lần vào ngày rằm)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Kính thưa đại chúng!
Người xuất gia là người ra khỏi gia đình để nương tựa Tam Bảo, nương tựa Thầy Tổ, nương tựa Tăng đoàn, .v.v. Vì thế, người xuất gia là thành viên của Tăng đoàn. Mục đích là để học đạo, tu đạo và hành đạo. Sau nầy, người xuất gia sẽ là người hoằng pháp, tiếp nối mạng mạch Phật giáo. Nếu người xuất gia ở riêng một mình, thì họ giống như người cư sĩ tại gia tự tu, chỉ khác là cạo đầu và mặc y áo. Nếu họ qua đời, thì gia đình sẽ mang về làm lễ tang tại gia đình như người cư sĩ tại gia. Vì cả đời chỉ lo bản thân, chứ không có phụng sự Thầy, Tổ hay Tam Bảo gì cả. Vì lẽ đó, tôi xin có lời khuyên Tăng chúng như sau:
 
TU KHẨU:
ĐIỀU 1:
Người xuất gia miệng ăn sạch, ở sạch như phòng ngủ, nhà vệ sinh.v.v. . Ăn xong phải súc miệng, đừng để miệng hôi ảnh hưởng người khác. Nếu biết hôi miệng phải chữa ngay.
ĐIỀU 2:
Người xuất gia miệng không hút thuốc, uống rượu bia và các chất say. Đặc biệt, miệng không ăn máu thịt của chúng sanh.
ĐIỀU 3:
Huynh đệ phải sống sự hòa hợp với nhau trong Tăng đoàn. Huynh đệ không được qua người nầy nói xấu người kia gây chia rẽ huynh đệ. Nhất là nói xấu Thầy Tổ, ngay cả người đời. Huynh đệ có thể gặp trực tiếp khuyên nhủ với nhau. Nhưng nếu không sửa đổi, thì đưa ra chúng xét xử. Sư huynh phải làm bổn phận lo cho sư đệ; Sư đệ phải nghe lời chánh ngữ của sư huynh. Sư huynh không được lợi dụng sư đệ để làm lợi ích cho cá nhân. Có như vậy mới là người tu sĩ chân chính. Trường hợp, đệ tử không vừa lòng với Sư Phụ, hoặc không hòa với chúng, hay không thích hợp với môi trường tu tập trong Chùa nầy, thì hành giả có thể thưa xin qua tu viện khác tu hành. Không nên ở lại trong chùa nói xấu Sư Phụ, huynh đệ và gây tranh cải, bất hòa, thì tự mình hại đời tu của mình.
ĐIỀU 4:
Huynh đệ không được nói ác khẩu, nói tục, nói về tình dục, chính trị, .v.v. Miệng trao đổi Phật pháp để tu học.
ĐIỀU 5:
Huynh đệ phải nói chuyện lễ phép, lễ độ đối với nhau và mọi người. Nhất là phải nói lời kính trên nhường dưới. Như vậy mới là người tu đạo.
ĐIỀU 6:
Người xuất gia phải nói thật thà. Như vậy, người xuất gia mới có thể tập làm thánh, làm Bồ Tát và làm Phật được.
ĐIỀU 7:
Người xuất gia sống đúng chánh pháp, thì không sợ ông tòa bắt tội. Người xuất gia cũng không sợ người ta nói xấu, vì những lời nói xấu không căn cứ thì vô hiệu quả. Do đó, người xuất gia không được nổi giận và thù ghét họ. Đây là cơ duyên thử lòng đạo tâm của mình.
ĐIỀU 8:
Người xuất gia là học đạo tu sửa lỗi bản thân. Nếu có huynh đệ hay ai đó nhắc nhở và chỉ lỗi cho bạn, thì bạn không nên đem tâm giận hờn, thù ghét họ. Đây không phải là người tu đạo. Ngược lại, người xuất gia phải nhận lỗi và thể hiện lòng tri ân đối với người thiện hữu tri thức nầy đã gia tâm giúp ta tu sửa bản thân.
ĐIỀU 9:
Người xuất gia không được kể cho người đời về lỗi lầm của huynh đệ hoặc Tăng đoàn. Những lỗi lầm đều đem ra chúng giải quyết.
 ĐIỀU 10:
Người xuất gia không được phép nói pháp môn nầy cao hơn pháp môn kia và ngược lại. Và không được phép nói Kinh nầy có thật và Kinh kia không có thật. Bạn nói như vậy có thể là phỉ báng Phật pháp. Tất cả chỉ tạo ra tranh chấp của các hệ phái và làm mất niềm tin của tín đồ Phật giáo.
 
TU THÂN:
ĐIỀU 11:
Người xuất gia hằng ngày nên lao động, tập thể dục cho có sức khỏe.
ĐIỀU 12:
Người xuất gia luôn sống nương tựa Tam Bảo, Thầy Tổ, Tăng đoàn, huynh đệ để tu hành. Nhất là đi đâu phải đi chung với chúng và phải đi thưa về trình. Như vậy mới là người tu đạo. Người đời còn có cha mẹ, anh em gia đình. Huống chi, người xuất gia mà không có nguồn gốc Thầy Tổ sao?
 ĐIỀU 13:
Người xuất gia không được sát sanh, gian tham trộm cắp, đánh bài, đánh đề, mua vé số, cá độ đá banh, vay nợ, cho vay, hay vi phạm luật pháp quốc gia .v.v. hành động nầy tự phá đạo tâm, tự phá sự thanh tịnh của chính mình.
ĐIỀU 14:
Người xuất gia nghiêm cấm cướp đoạt tài sản của Tam Bảo. Chùa, tiền cúng dường Tam Bảo và các vật chất đều là thuộc tài sản của Tam Bảo hay nói cách khác là tài sản của Phật, Pháp và Tăng đoàn. Người xuất gia được làm trụ trì là đại diện cho Tam Bảo nói chung và đại diện cho Tăng đoàn nói riêng, mục đích là giữ gìn tài sản của Tam Bảo và phát triển mạng mạch Phật giáo. Nếu vị trụ trì bán Chùa, các vật chất và dùng tiền cúng dường Tam Bảo mà sử dụng cho cá nhân hoặc cho gia đình hay ai đó, thì người xuất gia nầy phạm tội cực trọng trộm cướp của Tam Bảo. Mặc dù, vị trụ trì có công xây dựng Chùa, nhưng tất cả tiền bạc, tài sản, công quả đều do mồ hôi nước mắt của Phật tử cúng dường. Cho nên, vị trụ trì có quyền truyền thừa cho người khác, chứ không có quyền nói trên. Người xuất gia ăn cơm Tam Bảo, ở nhà Tam Bảo, mặc áo Tam Bảo, Tu học Tam Bảo, mà bán Tam Bảo, thì vị trụ trì nầy kiếp sau bị ông Diêm Vương giam hãm địa ngục.
ĐIỀU 15:
Người xuất gia là cắt ái từ thân để cầu thoát ly sanh tử luân hồi. Chư Tôn Đức thường dạy: “Ái không nhiễm không sanh ta bà”. Do đó, người xuất gia không được kết thân với người đời làm cha mẹ nuôi, anh chị em nuôi. Người xuất gia phải cắt bớt liên hệ gia đình, bạn bè và duyên trần xã hội .v.v. Trừ khi, người thân bệnh tật hoặc có tang lễ. Tại sao? Có như thế, người xuất gia mới định tâm định trí tu học thiền định, thiền quán được.
ĐIỀU 16:
Người xuất gia phải ăn mặc sạch sẽ, trang nghiêm, thì người ta mới kính trọng. Nếu ăn mặc như người ăn xin, thì họ xem mình như người ăn xin.
ĐIỀU 17:
Người xuất gia khi ở trong Chùa và ngoài đường đều nên giữ oai nghi, nhất là ăn nói, xử sự lễ độ với mọi người. Họ không quan tâm đến người tu có bằng cấp hay không, mà họ để ý đến tư cách đạo đức và thật lực của người xuất gia.
ĐIỀU 18:
Người xuất gia không được nhận quà, tặng quà cá nhân qua lại với con gái. Vì đây là cái nhân mà sẽ làm phát sinh tình cảm, tình yêu trai gái và sẽ dễ hoàn tục.
ĐIỀU 19:
Người xuất gia không được cho giới nữ vào phòng chúng Tăng và phòng cá nhân. Vì mọi người nghi ngờ quan hệ bất chính của người tu đạo.
 ĐIỀU 20:
Người xuất gia không được điện thoại, nhắn tin, email thư từ qua lại cá nhân với con gái. Vì đây là cơ hội cho hai người tỏ tình. Trừ khi làm việc Phật sự.
 ĐIỀU 21:
Huynh đệ không được lập bè đảng chia rẽ tình huynh đệ.
ĐIỀU 22:
Huynh đệ phải thể hiện lòng từ bi với nhau, giúp đỡ và khuyên bảo nhau trong việc tu học và  nhất là chăm sóc khi bệnh tật.
 
TU TÂM:
ĐIỀU 23:
Người xuất gia không hơn thua, tranh chấp, ganh tỵ với nhau về tiền, về tình, về địa vị, về danh lợi, về mọi phương diện. Điều nầy nguy hại cho sự thanh tịnh và không tu định và tu huệ được.
ĐIỀU 24:
          Người xuất gia không nên ngồi đó mà mong thí chủ cúng dường. Đừng biến mình là kẻ ăn xin trong Chùa.
 
ĐIỀU 25:
          Người xuất gia không được đi làm ăn, buôn bán kiếm tiền nuôi bản thân hay gia đình. Nếu có nhu cầu kiếm tiền thì hoàn tục. Người xuất gia là để học đạo, tu đạo và hành đạo thôi.
      
ĐIỀU 26:
          Chùa là nơi mọi người đến học đạo và tu hành diệt tham, sân, si, diệt phiền não, khổ đau sanh tử luân hồi; Chứ Chùa không phải là nơi cho mọi người đến cầu cúng dường tiền bạc, vật chất, hay tranh giành địa vị trụ trì, địa vị giáo hội hoặc mong được danh thơm, .v.v.
         
ĐIỀU 27:
          Người xuất gia không được tham gia vào đảng phái chính trị và các hoạt động xã hội không liên quan đến sự tu hành giải thoát. Luôn luôn dành thời gian học đạo và tu đạo. Giữ thân thanh tịnh.
       
ĐIỀU 28:
Ý không tham lam, sân hận, si mê, . . .
         
ĐIỀU 29:
          Người xuất gia phải kính trọng người có tài đức, người có khả năng hoằng pháp, người có khả năng làm lợi ích cho Phật giáo. Người xuất gia không nên ganh tỵ, nói xấu với những người tài đức nói trên. Đó không phải là nền tảng đạo đức của người tu đạo.
         
ĐIỀU 30:
          Người xuất gia phải cần tránh xa ngũ dục như tiền tài, nữ sắc, danh tiếng, danh lợi địa vị trụ trì, địa vị giáo hội, địa vị xã hội .v.v. Vì nó sẽ phá đạo tâm, phá tâm thanh tịnh và Phật tánh của người xuất gia.
         
ĐIỀU 31:
          Người xuất gia không có khả năng hoằng pháp, Không biết giáo lý, Không biết pháp môn tu, Không có kinh nghiệm tu hành bản thân, Không tìm Thầy học đạo, Không lo tu hành; chỉ mong được cúng dường của người tín thí. Vậy, người xuất gia nầy là tu giả, là kẻ ăn xin đúng nghĩa. Người nầy nếu không sửa đổi tiến tu, thì được phép hoàn tục.
         
ĐIỀU 32:
Người đời lo học một cái nghề để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Người xuất gia phải học một pháp môn tu thiền chỉ, thiền quán để soi chiếu tâm mình sao cho đắc định, đắc huệ.
         
ĐIỀU 33:
Người xuất gia ăn cơm Phật, mặc áo Phật, ở nhà Phật, học Phật. Do đó, người xuất gia có trách nhiệm không gây tai tiếng cho Giáo hội, cho Phật giáo, cho Tăng đoàn và không làm mất niềm tin cho tín đồ Phật giáo. Người xuất gia phải phụng sự Tam Bảo và hoằng pháp lợi sanh. Nhất là nhận cúng dường thí chủ phải cúng dường lại Tam Bảo ít nhất 1 nửa để duy trì Tam Bảo nói chung, nuôi chúng nói riêng. Có như vậy mới dạy Phật tử được.
 
ĐIỀU 34:
Đức Phật mới thật có khả năng tự giác và giác tha. Người xuất gia là phàm phu thì không có khả năng tự giác và giác tha như đức Phật. Cho nên, người xuất gia phải luôn luôn nương vào Tam Bảo, Thầy Tổ, và Tăng đoàn.
           
ĐIỀU 35:
Người xuất gia phải tập tính tự giác và giác tha. Có như vậy, người xuất gia mới tiến tu thành tựu A La Hán quả, Bồ Tát quả và Phật quả.
   
ĐIỀU 36 :
Đức Phật do tu giới, tu định và tu huệ mà thành Phật. Nếu người xuất gia mà không tu hành, thì chắc chắn người nầy thành chúng sanh.
  
XI. NHỮNG CHƯỚNG NGẠI CHO NGƯỜI TU ĐẠO GIẢI THOÁT SANH TỬ LUÂN HỒI
 DUYÊN KHỞI
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa các hành giả!
       Đức Phật dạy rằng sáu cõi luân hồi là Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỹ, Súc Sanh. Sáu cõi này cũng gọi cõi dục giới. Cõi dục giới là nơi có người nam và người nữ hay còn gọi là giống đực và giống cái. Vì sao như vậy? Vì chúng sanh cõi nầy thích tình cảm ân ái hay nói cách khác là chúng sanh cõi này thích tham ái và quan hệ tình dục (Dâm dục). Cho nên, chúng sanh mới có hai phái để thỏa mãn dục vọng.
      Đức Phật dạy: “Ái dục là gốc sanh tử luân hồi” hoặc là “Ái bất nhiễm, bất sanh Ta Bà”. Do đó, chúng ta biết rằng chúng ta do nhiễm ái dục nên chúng ta sanh cõi dục giới nầy và đời đời kiếp kiếp luân hồi sanh tử.
Hành giả muốn tu đạo giải thoát sanh tử luân hồi để được thân tâm thanh tịnh, thì hành giả phải tự mình diệt trừ ái dục. Muốn được như vậy, hành giả phải sống theo kỷ luật, giới luật của Đức Phật một cách nghiêm túc. Có như vậy, hành giả mới đắc định, đắc huệ, được thanh tịnh, đạt tới Niết Bàn và chứng quả A La Hán. Đa phần những hành giả tu đạo hoàn tục ra đời vì lý do nữ giới và ái dục. Vậy, hành giả phải tuân thủ những điều sau đây:
 
I. CHƯỚNG NGẠI NỮ SẮC:
Tu khẩu:
    1. Miệng không nói dối.
    2. Miệng không nói xấu người khác.
    3. Miệng không qua người này nói xấu người kia, qua người kia nói xấu người nầy (Nói lưỡi đôi chiều).
    4. Miệng không nói lời hung ác.
    5. Miệng không nói tục tỉu.
    6. Miệng không nói chuyện ái dục trong chúng Tăng.
   
Tu thân:
  1. Người xuất gia không được nhận đồ trực tiếp với người nữ. Tịnh tài và phẩm vật dâng cúng dường đều phải để lên bàn.
  2. Người xuất gia không được cố ý xúc chạm vào thân người nữ.
  3. Người xuất gia không được để người nữ xúc chạm vào thân mình.
  4. Người xuất gia phải giữ khoảng cách với người nữ.
  5. Người xuất gia không được nói chuyện riêng với người nữ ở chổ công cộng, trừ khi có người thứ ba.
  6. Người xuất gia không được nói chuyện với người nữ ở chổ không có người.
  7. Người xuất gia không được tâm sự nói điện thoại qua lại với người nữ hoặc nhắn tin, hoặc gởi email, .v.v. Vì đây là cơ hội phát sinh tình cảm và dễ tỏa tình với nhau.
  8. Người xuất gia không được nhận quà riêng của người nữ, vì đây dễ phát sinh tình cảm.
  9. Người xuất gia không được nhờ người nữ giặt y áo hay áo quần của mình.
  10. Người xuất gia không được làm mai mối cho nam nữ.
  11. Người xuất gia không được đi riêng với người nữ, dù là chị em, vì người đời không ai biết đó là chị em.
  12. Người xuất gia không được lái xe chở người nữ một mình, trừ khi cấp cứu.
  13. Người xuất gia không được đến nhà người nữ, khi họ chỉ có một mình ở nhà.
  14. Người xuất gia không được ngủ ở nhà người nữ, khi họ chỉ có một mình ở nhà.
  15. Người xuất gia không được đến khách sạn, nhà nghỉ ở một mình, trừ khi trường hợp đi Phật sự không có chổ ở.
  16. Người xuất gia không được đi ra ngoài đường ban đêm, trừ khi việc Phật sự. Nhưng phải nên đi hai người.
  17. Người xuất gia đi Phật sự bên ngoài thì nên đi hai người trở lên.
  18. Người xuất gia đi đâu phải có sự đồng ý của Sư Phụ và chúng Tăng.
  19. Nếu người xuất gia muốn làm ăn, lập gia đình hoặc có nhu cầu ái dục thì xin Sư Phụ hoàn tục ra đời.
Những điều trên đây là cảnh giác, ngăn ngừa thân không vi phạm tiếp xúc với giới nữ. Nhưng Tâm ái dục là quan trọng, vì tâm ái dục là điều khiển thân và khẩu ái dục. Do đó, hành giả phải tu tập thiền quán thân bất tịnh để diệt tâm ái dục.
 
Tu tâm:
Hành giả xuất gia phải diệt ái dục, thì hành giả mới đắc định, thanh tịnh, đạt đến Niết Bàn và chứng quả A La Hán. Chỉ A La Hán mới dứt hết ái dục và sanh tử luân hồi. Do đó, hành giả muốn diệt ái dục, thì hành giả phải hành thiền quán thân bất tịnh. Khi hành giả chưa nhận ra thân bất tịnh, thì ái dục vẫn còn khắp thân tâm của hành giả.
 
II. Chướng ngại dục lạc:
Con người sinh ra ai cũng có nhiều ham muốn hưởng thụ dục lạc trần gian như ngũ dục (Tiền tài, sắc đẹp, địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ). Vì đây là mục đích sống của con người. Vì vậy, con người vốn có lòng tham, sân, si, nên khổ sở, thân bại danh liệt, tù đày thân thể vì tham, sân, si, năm dục vọng trần tục v.v ... Đối với người tu Thánh đạo hay về sự giải thoát khỏi sinh và chết, năm ham muốn trần tục có thể phá hủy đời sống tâm linh của họ. Vì vậy, hành giả phải tránh hưởng thụ dục lạc. Vì chúng là những cám dỗ, cạm bẫy và nghiệp chướng dẫn đến luân hồi, chúng nó là chướng duyên cho những ai thực hành Đạo. Nếu người tu bị nhiễm dục lạc thế gian, thì ô nhiễm này sẽ trở thành nghiệp nhân, thành thói quen trong nhiều đời, khó đạt được định và đạt được tuệ. Muốn đạt được định, đạt được tuệ thì phải biết những khó khăn, chướng ngại lớn lao là gì?
    1. Hành giả tham lam tiền bạc, vật chất.
    2. Hành giả tham lam làm ăn, kiếm tiền bằng mọi hình thức.
    3. Hành giả tham lam danh lợi, địa vị trong tôn giáo, xã hội.
    4. Hành giả mong muốn được ăn ngon, mặc đẹp.
    5. Hành giả thích ngủ nghỉ.
    6. Hành giả thèm thịt và cá.
    7. Hành giả bị nghiện thuốc lá.
    8. Hành giả bị nghiện rượu.
    9. Hành giả bị nghiện ma tuý.
    10. Hành giả bị nghiện cờ bạc, đánh bài, đánh đề, cá độ đá banh v.v.
    11. Hành giả bị ràng buộc bởi tình cảm gia đình.
    12. Hành giả ham muốn sắc đẹp con gái.
    13. Hành giả bị nhiễm tình yêu.
    14. Hành giả bị nhiễm quan hệ tình dục.
    15. Hành giả bị ảnh hưởng phim và hình ảnh tình dục.
Những thứ này ràng buộc cơ thể và tâm trí của Hành giả trong cuộc sống này. Vì vậy, hành giả khó đạt được định và tuệ. Nếu bạn muốn thực hành Đạo, trước tiên bạn phải tự mình tháo gỡ những ràng buộc này. Nếu không, bạn sẽ lãng phí một cuộc đời tu hành.
 
III. Làm thế nào để tránh các chướng duyên tu hành:
Những thú vui trần tục là một cám dỗ, một cạm bẫy đối với người thế tục và người tu luyện. Vì vậy, người tu cũng khó tránh khỏi những dục vọng trong lòng khi tiếp xúc với các dục lạc bên ngoài, ví như lửa gần rơm lâu ngày cũng thành tro. Chư Tổ dạy rằng, hành giả muốn tu đạo gặp thuận lợi thì nên tránh những nghịch cảnh ở đời. Những lợi thế của việc thực hành tu tập như sau:
    1. Người tu phải nương Tam bảo, nương Phật, nương theo lời dạy của Đức Phật. Đức Phật dạy như thế nào, hành giả phải làm theo đúng như vậy. Có như thế, hành giả thành tựu sự được giác ngộ chân chính.
    2. Hành giả phải nương theo Thầy Tổ để học Phật pháp và kinh nghiệm tu hành.
    3. Hành giả phải nương vào Tăng đoàn để tu tập và giữ thân thanh tịnh.
    4. Người tu phải biết kính trọng cha mẹ, thầy cô và mọi người. Đây là nền tảng đạo đức cơ bản của người thường, nếu hành giả không làm được thì làm sao hành giả thành Thánh được?
    5. Hành giả phải tuyệt đối giữ giới và phải tránh xa những chướng ngại nói trên.
    6. Hành giả phải thực hành quán chiếu về thân bất tịnh để đoạn trừ tham ái.
    7. Hành giả phải quán chiếu vô thường của tâm để đạt được định lực và trí tuệ. Qua đó, hành giả mong tiêu trừ được phiền não, khổ đau, tham lam, sân hận, si mê, v.v.
    8. Người tu hãy sống giản dị, nhẹ nhàng, thanh thản thì hạnh phúc sẽ tự nhiên hiện ra trong tâm.
Trên đây là một số kinh nghiệm tu hành của các hành giả đã từng trãi trong đời sống tâm linh và tu đạo giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nay, chúng tôi xin chia sẻ để các hành giả tương lai học hỏi và rút kinh nghiệm để đạt được thành tựu cho việc học đạo, tu đạo và hành đạo của chính mình.
Chúc tất cả các hành giả thành tựu viên mãn!
 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
 Chùa Phật Linh ngày 8 tháng 12 năm 2021
Chúng tôi hy vọng rằng vài lời chia sẻ cảnh tỉnh của chúng tôi sẽ đóng góp cho các hành giả mới luôn tiến bộ trên bước đường thành tựu Phật quả.
 “Y pháp, bất y nhân,
Y nghĩa, bất y ngữ,
Y Kinh liễu nghĩa, bất y Kinh bất liễu nghĩa,
Y trí, bất y thức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
 
Ravensburg, 09/18/2019
Biên soạn: Tỳ kheo Thích Hạnh Đinh
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

  NGHI THỨC TANG LỄ TODESZEREMONIE - DEALTH CEREMONY

VIEN GIAC PAGODE   NGHI THỨC TANG LỄ TODESZEREMONIE - DEALTH CEREMONY     PHẬT LỊCH 2567 – DƯƠNG LỊCH 2023    NGHI THỨC TANG LỄ TODESZEREMONIE - DEALTH CEREMONY   CẦU NGUYỆN – BETEN - PRAYER           Nam Mô Bổn...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây