OAI NGHI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Thứ bảy - 19/11/2022 23:23 Đã xem: 1263
 
CHÙA PHẬT LINH
 
OAI NGHI
 CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
 
 

 
PL 2566 - DL 2022
 
 MỤC LỤC
1.. Xá Chào. 2
2.. Tướng Đi 3
3.. Tướng Đứng. 4
4.. Tướng Ngồi 4
5.. Tướng Nằm.. 5
6.. Tướng Ăn Và Quá Đường. 6
7.. Thỉnh Tăng Và Cúng Dường. 11
8.. Mặc Y Phục. 12
9.. Giao Tiếp Với Mọi Người 12
10. Vào Chánh Điện. 13
11. Vào Nhà Vệ Sinh. 17
12. Nghe Pháp Thoại 18
13. Làm Công Quả. 19
14. Tiếp Xúc Với Chư Tăng. 22
15. Đi Lại Trong Chùa. 23
  
OAI NGHI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Bước chân vào đến cổng chùa rồi
Bao nhiêu toan tính hãy buông rơi
Để tâm thanh tịnh, thân thư thái

Gương mặt tươi vui, miệng mỉm cười.
 
Sau đây là những phép tắc cần thiết cơ bản trong cửa thiền mà người Phật tử chúng ta cần phải học tập và tìm hiểu để hoàn thiện nhân cách của một người Phật tử, và thể hiện lòng tôn kính đối với Tam Bảo.

 
1.Xá Chào
Khi gặp chư tăng hay bạn đồng đạo, chắp tay xá chào như sau:
  • Đứng ngay thẳng, hai tay chắp ngang trước ngực.
  • Khi chắp tay không được bọng giữa, các ngón tay không so le, không để ngang miệng, hay đưa lên mũi. Hai bàn tay không sà xuống.
  • Khi xá chào kèm theo câu niệm “A Di Đà Phật” hoặc “Mô Phật”.
  • Không đứng xa quá 3 mét.
  • Không đứng trên chỗ cao xá người ở dưới thấp.
  • Không ngồi xá.
  • Không vừa đi vừa xá.
  • Không xá một tay.
  • Không chắp tay xá liên tục.
  • Không cầm vật trên tay xá.
  • Đang làm việc, hoặc tay bị dơ bẩn có thể không xá.
  • Không đội mũ nón, đeo kính đen, mặc quần ống cao ống thấp lôi thôi mà xá thầy.
  • Khi uống trà nước, không được dùng một tay còn lại mà thi lễ.
  • Tay mình cầm kinh, tượng thì không được xá người.
 2.Tướng Đi 
  • Người Phật tử phải đi khoan thai nhẹ nhàng, chững chạc, dù trong nhà hay ngoài đường lúc nào cũng phải giữ tướng đi cho ngay thẳng trang nghiêm nhưng không mất vẻ tự nhiên.
  • Không vừa đi vừa nhảy.
  • Không liếc ngó hai bên, hoặc hát nghêu ngao.
  • Không đi ưỡn ẹo.
  • Không đi nhón gót.
  • Không kéo lê guốc, dép ra tiếng.
  • Không vừa đi vừa đưa tay lên xuống quá cao.
  • Không vừa đi vừa mặc, hoặc cởi áo tràng.
  • Không vắt áo tràng trên vai mà đi.
  • Không đi quá nhanh như chạy.
  • Phải nhường bước cho người lớn đi trước.
  • Không đi trước mặt chư Tăng.
  • Không đi ngang hàng với chư tăng.
  • Lên xe, phải nhường cho người già cả, yếu đuối lên trước.
  • Đừng chen lấn, xô đẩy giành chỗ ồn ào làm mất tư cách của người Phật tử.

3.Tướng Đứng

  • Không đứng dựa tường, dựa ghế, dựa cột.
  • Không đứng khúm núm.
  • Không đứng một chân.
  • Không đứng chống nạnh ra oai.  

4.Tướng Ngồi

  • Nếu ngồi trên ghế phải ngồi thẳng lưng, hai chân thòng xuống để ngay ngắn trên đất.
  • Không nên ngồi khom.
  • Không ngồi úp mặt lên bàn.
  • Không ngồi tréo chân.
  • Không gác chân này lên chân kia.
  • Không gác chân lên ghế, lên bàn.
  • Không ngồi rung đùi.
  • Không lắc lư hai chân.
  • Không ngồi duỗi thẳng chân.
  • Không ngồi nớ rộng hai chân.
  • Không ngồi một chân trên ghế, một chân dưới đất.
  • Không ngồi chống hai chân trên mặt ghế.
  • Không ngồi chồm hổm trên ghế.
  • Trong khi ngồi, nếu thấy quý thầy đi ngang thì nên đứng dậy, chắp tay cung kính cúi đầu.
  • Khi tiếp xúc với thầy, thầy cho phép ngồi mới được ngồi. Không tự ý ngồi trước.
  • Không được ngồi đối diện thầy.
  • Không được hướng về phía tháp Phật hoặc thánh tượng duỗi chân mà ngồi.  

5.Tướng Nằm 

  • Không nằm nghiêng bên trái, vì trái tim nằm về phía trái của lồng ngực, tim sẽ bị đè nén, máu không lưu thông được, dễ dẫn đến ác mộng.
  • Có thể nằm ngửa với tư thế thân ngay thẳng, hai chân khép lại, tay đặt trên bụng hoặc duỗi thẳng. Nên lấy mền che phần bụng dưới lại cho kín đáo.
  • Không nên nằm sấp vì buồng phổi bị ép làm khó thở.
  • Cố gắng tập nằm theo thế cát tường, tức là nằm nghiêng bên phải, chân tay duỗi thẳng (giống tư thế đức Phật nhập Niết Bàn). Đây là cách nằm an lành tốt đẹp, vừa trang nhã vừa có lợi cho sức khỏe.
  • Không được nằm chung giường với chư Tăng.
  • Không được cởi áo trong mà nằm.
  • Phàm treo giày, tất, áo nhỏ, quần nhỏ v.v... không được quá đầu và mặt người.
  • Có người ngủ thì không được đụng đồ ra tiếng, và lớn tiếng nói cười.
  • Nếu ngủ trong chánh điện thì phải xoay đầu về phía Phật.
  • Khi nằm, không được đọc Kinh.  

6.Tướng Ăn Và Quá Đường

  • Trong chùa khi ăn cơm phải cúng quá đường. Đại chúng mặc áo tràng, khi ngồi nhớ vén vạt áo tràng phía sau cho gọn gàng.  
  • Tay phải kiết ấn Cát Tường:
Ngón tay cái đặt lên ngón áp út co sát vào trong lòng bàn tay, ba ngón tay còn lại vươn thẳng lên. Ấn Cát Tường còn gọi là ấn Cam Lồ, biểu trưng cho lòng từ bi. 
  • Tay trái kiết ấn Tam Sơn:
Ngón giữa và ngón áp út co lại, ba ngón còn lại vươn thẳng lên, như ba ngọn núi, tạo thành thế kiềng ba chân, đặt chén vào giữa. Ấn Tam Sơn này biểu trưng cho Giới, Định, Huệ. Tay trái nâng bát đưa lên ngang trán, tay phải kiết ấn đặt ngang miệng chén.
  • Tam Đề, Ngũ Quán:
Hai tay nâng bát cơm đầy Nhớ ơn Tam Bảo, ơn thầy, mẹ cha
 
Nhớ người tín thí gần xa
Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền.
Trước khi ăn, dùng hai tay nâng bát ngang trán, mỗi tay chỉ sử dụng ba ngón: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Sau đó để bát trên lòng bàn tay trái, tay phải cầm muỗng xúc ba muỗng cơm quán Tam Đề.
Tam Đề là phát khởi ba bồ đề tâm trước khi ăn ba miếng cơm đầu tiên.
 
Muỗng thứ nhất: nguyện đoạn tất cả điều ác.
Muỗng thứ hai: nguyện làm hết thảy việc lành.
Muỗng thứ ba: nguyện độ tất cả chúng sanh. 
Sau đó để muỗng trong bát, muỗng úp xuống quay về phía trước, bàn tay phải đặt dưới bàn tay trái, nâng bát ngang chấn thủy, thầm niệm Ngũ Quán. 
Ngũ Quán là trong khi ăn, quán tưởng năm phép quán như sau: 
Thứ nhất, khi ăn phải tri ân tất cả chúng sanh trong cuộc sống này: Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này. 
Thứ hai, tự xét đức hạnh của mình có xứng đáng với sự cúng dường này chăng: Con nguyện nỗ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này. 
Thứ ba, ngăn trừ lỗi lầm và chận đứng nguồn gốc của lòng ham muốn: Trong khi ăn, con nguyện từ bỏ lòng tham ăn. 
Thứ tư: Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật. 
Thứ năm: Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp, giải thoát, giác ngộ mà con xin thọ dụng những thức ăn này. 
  • Trước khi ăn cơm nên rửa tay sạch sẽ.
  • Lưu ý tay áo rộng đừng cho chạm vào thức ăn.
  • Phải ngồi ngay thẳng vững vàng.  
  • Không ngồi duỗi thẳng chân qua bên phía người đối diện chạm chân người ấy.
  • Khi ăn, dùng muỗng múc cơm, đũa gắp thức ăn.
  • Không cố ý dòm ngó chung quanh xem người khác ăn.
  • Chẳng nên cúi sát mặt bàn, áp mặt sát vào chén mà húp canh và cơm.
  • Không vừa ăn vừa nói chuyện.
  • Không được ngậm đồ ăn mà nói.
  • Không gãi đầu làm bụi bay qua người khác, hay vào thức ăn.
  • Phải cầm bát để ngang ngực mà ăn. Không được để bát trên bàn, chống tay, khom lưng, cúi đầu mà ăn.
  • Khi nhảy mũi, bị sặc cơm phải quay ra phía sau tránh phun trúng người ngồi gần.
  • Khi ngáp phải lấy tay che miệng.
  • Chẳng nên nhai thức ăn ra tiếng.
  • Hạn chế tối đa tiếng khua chén đũa.
  • Lúc xỉa răng phải lấy tay che miệng.
  • Không chống tay xỉa răng, hay ngậm tăm.
  • Trên bàn ăn có món ngon, món không ngon, đừng sinh tâm tham, gắp món ngon nhiều, lấn phần người khác mà chê món dở.  
  • Trong cơm có sâu kiến phải kín đáo gắp ra, chớ để người ngồi gần thấy.
  • Cần món gì ngoài tầm tay, ra hiệu nhờ người khác chuyển giùm. Chẳng nên gọi to nói lớn hoặc đứng dậy lấy thức ăn.
  • Khi ăn không hà hít chắt lưỡi, khen ngon chê dở, nên quán thức ăn để chữa bệnh ốm gầy.
  • Khi uống nước, nên rót ra bát. Khi rót, tránh gây ra tiếng vì sẽ làm động tâm người khác. Hai tay nâng bát lên uống chậm rãi.
  • Không ăn quá nhanh. Không ăn quá chậm.
Không ăn xong trước chư Tăng. Không được chư tăng ăn xong rồi mà vẫn còn ăn.
  • Không nên ăn xong đứng dậy trước, trừ khi có công việc quan trọng.
  • Không nên bỏ thừa thức ăn.
  • Trong cơm có lúa thì bỏ vỏ mà ăn.
  • Người đến thêm đồ ăn, không được bảo không dùng; nếu no rồi thì phải lấy tay từ khước.
  • Sống trong gia đình hay trong chúng phải áp dụng đúng câu “lợi hòa đồng quân,” nghĩa là phải chia nhường nhau hưởng dụng một cách công bình, không nên giành phần hơn.
 

7.Thỉnh Tăng Và Cúng Dường

 
  • Phật tử có duyên sự muốn cung thỉnh chư Tăng hoặc cúng dường, trước hết phải thành tâm, mặc áo tràng, tay bưng khay lễ, trên đặt phẩm vật cúng dường. Tác bạch thỉnh Tăng hoặc cúng dường theo đúng nghi lễ (lạy một lạy, đứng lên rồi quỳ xuống tác bạch, hoặc đứng trang nghiêm xá một xá rồi tác bạch). Sau khi chư Tăng đã nạp thọ, lạy ba lạy rồi lui ra.
  • Khi cúng dường tịnh tài, nên để vào phong bì, trên đĩa nhỏ, và đặt trên bàn.
  • Không nên cầm tiền trao tay, hoặc nhét vào túi áo chư Tăng.
 

8.Mặc Y Phục

  • Người Phật tử nên mặc y phục trang nhã, kín đáo vừa hợp tầm vóc, không quá chật hay quá rộng.
  • Không dùng những màu sắc sặc sỡ, bông hoa lòe loẹt.
  • Không mặc loại vải quá mỏng.
  • Không mặc y phục kiểu cách kỳ dị, hở hang, khiêu gợi.
 

9.Giao Tiếp Với Mọi Người

  • Khi giao tiếp với ai phải giữ thái độ điềm đạm hoan hỷ, không nên quá niềm nở hoặc cười cợt lả lơi.
  • Phải thành thật, ngay thẳng, nhu hòa, khiêm tốn.
  • Không nói chuyện thị phi, tốt xấu, đúng sai.
  • Không đem những chuyện ở bên ngoài vào chùa bàn tán.
  • Không đi loan truyền những tin tức mà mình không biết chắc chắn là có thật.
  • Không nói hớt (interrupt).
  • Không giành nói.
  • Không đùa dai.
  • Không kết tình cha mẹ, anh chị em với người xuất gia.
  • Khi gặp việc gì dù khó khăn rắc rối cũng phải giữ bình tĩnh ôn hòa, không tỏ vẻ cau có bực bội.
  • Phải biết giữ uy tín và danh giá của mình bằng cách không nói càn, hứa ẩu.
  • Đừng nói mập mờ để người ngộ nhận, rất có hại.
  • Phải biết lắng nghe và nói đúng lúc, nói đúng lý.
  • Không nói quá nhiều.
  • Không nói lớn lối khoe khoang.
  • Không nói chê bai.
  • Không nói lời khích bác.
 

10.Vào Chánh Điện

  • Khi vào lễ Phật, nếu đã có nhang cắm trong lư rồi, không nên thắp thêm.
  • Khi nghe tiếng chuông thì lạy xuống, nghe dập chuông thì đứng dậy.
  • Không đứng chính giữa chánh điện làm lễ (vì đó là vị trí của thầy trụ trì hay những thầy lớn).
  • Có người lạy Phật, không được hướng tới trước đầu người ấy mà đi tắt.
  • Không lên chỗ bục của chư tăng hành lễ.
  • Nếu có quý thầy đang lạy Phật, không được cùng quý thầy lạy ngang nhau (khi lạy xuống phải xuống sau, khi đứng lên phải lên sau).
  • Không được lễ bái không phải lúc; muốn lễ bái không phải lúc thì phải đợi lúc mọi người yên tĩnh.
  • Không tùy tiện đánh chuông, trống, mõ, khánh, tất cả pháp khí.
  • Không tranh lên trước.
 
  • Không tranh chỗ ngồi.
  • Trong chánh điện, không nên cởi, thay áo tràng.
  • Không nên lấy tay xoa vuốt trên hình tượng đức Phật, bồ tát và rồi bôi xoa lên thân thể của mình.
  • Trước khi lễ Phật, mặc niệm bài kệ:
 
Trên trời, dưới trời không ai bằng Mười phương thế giới cũng không kịp Toàn thể thế giới con nhìn thấy
Tất cả không ai được như Phật
 
  • Sau khi lễ Phật, chiêm ngưỡng tôn dung, mặc niệm bài kệ:
 
Khi thấy tướng phật Nguyện cho chúng sanh Được mắt vô ngại
Thấy tất cả Phật
 
  • Vào điện Phật phải đi nhiễu theo bên phải không được đi bên trái, để biểu thị chánh đạo.
  • Khi cùng đại chúng nhiễu Phật, không được dừng lại nói chuyện. Mắt luôn ngó thẳng phía trước.
 
  • Không bàn chuyện thế tục.
  • Không cười giỡn, nói lớn tiếng, huýt gió, gọi điện thoại. Nếu nói chuyện Phật pháp, không được lớn tiếng cười nói.
  • Không chắp tay sau lưng đứng nhìn tượng Phật và bồ tát.
  • Không chống cằm, chống nạnh.
  • Khi ngồi, không được ngồi xoạc hai chân.
  • Không được khạc, nhổ, hạ phong v.v... Nếu không chịu được thì nên đi ra ngoài.
  • Khạc nhổ thì nên dùng giấy rồi đựng trong giỏ. Không nên ra ra, vào vào làm ảnh hưởng đại chúng.
  • Ngáp nên lấy tay áo che miệng.
  • Không được bình phẩm tượng Phật có trang nghiêm hay không trang nghiêm.
  • Trên quyển kinh nếu có bụi bám phải dùng khăn lau, không được dùng miệng thổi bụi.
  • Không được để đồ và các sách vở của thế tục trên kinh điển.
  • Không được cất để trà mạt, tạp vật trên bàn kinh.
  • Nếu xem kinh, phải thẳng mình, lắng lòng, yên lặng nghiền ngẫm, không được đọc ra tiếng.
 
  • Người xem kinh, không được đi qua gần trước bàn của họ.
  • Khi tụng niệm cùng chúng phải hòa hợp, theo nhịp mõ, không nhanh, không chậm, hoặc tụng quá lớn tiếng ảnh hưởng đến đại chúng.
  • Không được đứng, ngồi trước hoặc ngang hàng với chư tăng.
  • Tay dơ bẩn không nên cầm kinh.
  • Đối với kinh như đối với Phật, không được nói đùa, cười giỡn.
  • Không được viết chữ, ghi chú trong kinh.
  • Không được gấp xếp trang kinh làm mất thẩm mỹ.
  • Hoa cúng Phật thì lấy thứ nở vừa và không được ngửi trước. Loại trừ thứ héo mới cúng thứ mới. Thứ héo cũng không được bỏ xuống đất dẫm đạp lên, mà nên đặt ở chỗ khuất như ở dưới gốc cây.
 

11.Vào Nhà Vệ Sinh

  • Không tùy tiện đi vào khu vực nhà vệ sinh của chư Tăng.
  • Muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì nên đi ngay, đừng chần chờ hoặc đợi đến lúc bị thúc bách mới đi.
 
  • Trước khi vào phải gõ cửa ba lần, dù biết trong ấy không có người.
  • Không thúc hối người trong nhà vệ sinh ra nhanh.
  • Không đem kinh sách vào đọc.
  • Không mặc áo tràng vào nhà vệ sinh.
  • Không lớn tiếng hỉ mũi, nôn ọe, khạc nhổ, hoặc rặn ra tiếng.
  • Không cúi đầu nhìn xuống.
  • Không rán hơi ra tiếng.
  • Không cách vách cùng người nói chuyện.
  • Tắm rửa và giặt giũ phải biết tiết kiệm nước, điện.
  • Không nói cười, ca hát hoặc đọc Kinh trong khi tắm.
  • Đừng chiếm phòng tắm quá lâu để người tới sau chờ đợi.
  • Không nên treo khăn hoặc quần áo của mình chồng lên vật của người khác.
  • Không để vật cá nhân trong phòng tắm để tránh làm cản trở người đến sau.
  • Khi chải răng, không đi qua đi lại, nói chuyện và cười giỡn.
  • Gặp người không được thi lễ, phải nghiêng mình tránh họ.
  • Tiện lợi hoàn tất, phải rửa tay thật sạch.
Chưa rửa thì không được cầm nắm đồ vật.
 

12.Nghe Pháp Thoại

 
  • Khi tham dự các khóa tu đều phải tắt nguồn điện thoại di động, hoặc cài đặt chế độ im lặng để giữ gìn sự trang nghiêm và thanh tịnh.
  • Nghe chuông báo giờ pháp thoại thì phải đi ngay, đừng vào giảng đường sau giảng sư.
  • Trong khi nghe thầy thuyết giảng, không tùy tiện đứng dậy đi ra, đi vào làm ảnh hưởng đến thính chúng.
  • Nên đi nhà vệ sinh hoặc sắp xếp mọi công việc ổn định trước khi vào giảng đường nghe pháp.
  • Không nên ăn uống trong lúc nghe pháp thoại.
  • Không nói chuyện với người ngồi bên cạnh.
  • Các thời khóa tu tập, đều phải đi đúng giờ quy định. Không nên lề mề, trễ nải đi vào sau, để đại chúng chờ đợi.
 

13.Làm Công Quả

  • Nếu Phật tử muốn phụ giúp việc gì cho chùa thì phải thưa trước cho quý thầy biết. Không nên tự ý làm.
  • Phải làm việc trong sự hoan hỷ và hết lòng.
Không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì khi làm công quả.
  • Phải tùy vào sức khỏe và thì giờ cho phép, không nên cố gắng làm để rồi bê trễ công việc ở nhà.
  • Nếu vào nhà bếp phụ giúp nấu ăn thì làm với tất cả tình thương và tài năng vốn có của mình.
  • Không tranh giành rửa chén, phụ giúp v.v... trong nhà bếp.
  • Phải sắp xếp thời gian cho rộng rãi, đừng làm trong trạng thái hối hả và hấp tấp.
  • Đi đứng, nấu cơm, nấu canh, cắt gọt, xào rau, v.v... tất cả mọi hành động cần phải làm nhẹ nhàng và uy nghi.
  • Không nên nói chuyện, nhất là những chuyện thị phi không dính líu gì đến sự tu học.
  • Nếu cần hỏi hay nói gì về công việc với người bạn đồng tu thì nên nói ngắn gọn, nhỏ nhẹ vừa đủ nghe.
 
  • Rửa rau thì nên rửa cho thật kỹ càng; bởi khi trồng rau, người ta phun thuốc trừ sâu rất nhiều. Vì vậy, khi rửa rau nên thay nước ít nhất là ba lần.
  • Phàm quét đất, không được quét ngược gió. Không được dồn đất bụi vào sau cánh cửa.
  • Có người đang dùng cơm thì không được quét đất.
  • Khi nấu nướng, luôn có những cái thìa riêng dùng để nêm nếm.
  • Khi cần trộn thức ăn bằng hai tay, cần phải đeo găng tay vào.
  • Phải đội lưới bao tóc.
  • Khi dọn đồ ăn lên bàn cho đại chúng và chư tăng, nếu thấy có ruồi thì nên bọc đồ ăn thức uống lại kẻo ruồi bay vào.
  • Dọn đồ ăn cho chư tăng thì phải sắp đặt cúng dường cho đồng đều. Không được xếp dư, không được xếp thiếu.
  • Không gãi đầu, ho hen hoặc khạc nhổ trong nhà bếp.
  • Chén, bát, ly đều phải để úp xuống.
  • Khi đổ bỏ nước dơ, không được đổ ra đường đi. Không được cao tay dơ lên đổ xuống bắn ra. Phải cách đất bốn năm tấc từ từ đổ bỏ nước ấy.
 
  • Tránh đổ nước sôi vào ống cống hoặc đổ trên đất, vì làm như thế sẽ giết chết rất nhiều côn trùng. Nên để nguội rồi hãy đổ.
  • Tránh vào nhà bếp, nếu không có phận sự trong đó.
  • Không sử dụng chén bát của đại chúng để đựng thức ăn cho các con vật được nuôi trong chùa.
  • Không được tự ý lấy đồ ăn trong bếp đem cho chó, mèo.
  • Không nên nấu thức ăn mặn cho chó, mèo.
  • Tất cả gạo, bột, rau, trái v.v... không được khinh bỏ bừa bãi, phải gia tâm quý tiếc.
  • Khi nấu ăn cho đại chúng, những thức ăn chưa cúng Phật, chư Tăng, hoặc đại chúng thì không được tự ý bóc ăn trước.
  • Chưa được phép thì không được tự ý ăn (hoặc lấy đem cho người khác ăn) đồ ăn
của chư Tăng như trái cây, bánh, mức, nước tương, xì dầu, ớt v.v... và cũng không được lấy hoặc sử dụng vật dụng của chư Tăng như chén, bát, muỗng, đũa, tăm xỉa răng, khăn giấy v.v...
  • Không lấy bất cứ thứ gì ở chùa để đem về nhà dùng, trừ khi được quý thầy cho phép.

14.Tiếp Xúc Với Chư Tăng

  • Không đứng trên cao nói chuyện, hoặc kêu gọi chư Tăng ở dưới thấp.
  • Không trực tiếp gọi danh hiệu chư tăng.
  • Khi nói chuyện với thầy, không nên chắp tay sau lưng, hút thuốc, đứng đối diện, chống nạnh, hoặc cách thầy quá xa. Nên đứng dịch qua một bên và gần thầy để thưa chuyện.
  • Thầy đang nói chuyện với ai thì không xen vào ngắt lời.
  • Khi gặp chư Tăng, chỉ hỏi những vấn đề liên quan đến sự tu học hoặc việc quan trọng khác. Không nên hỏi những chuyện vu vơ, linh tinh.
  • Không được một mình vào phòng của chư Tăng khác phái.
  • Không được ở trong nhà vắng, hoặc ở chỗ khuất, cùng chư Tăng khác phái ngồi với nhau, nói với nhau.
  • Khi đang nói chuyện, hoặc cần thưa thỉnh, hoặc đang chụp hình v.v... không được chạm vào thân của chư Tăng.
  • Chụp hình trước thánh tượng hoặc với chư Tăng thì nên chắp tay để tỏ lòng tôn kính.
 
  • Nếu một mình chụp hình với thầy thì phải đứng ở phía bên trái, chắp tay, và cũng không được chạm vào thân thầy hoặc đứng quá gần.
  • Nếu cùng một người chụp hình với thầy thì không được đứng ở chính giữa hoặc để người kia đứng ở chính giữa.
  • Khi chư tăng dùng cơm, đọc kinh, tọa thiền, ngủ nghỉ v.v... không nên lễ bái.
  • Không bàn tán việc tốt xấu, đúng sai của chư tăng khiến cho người khác mất tín tâm đối với Tam Bảo.
 

15.Đi Lại Trong Chùa

  • Đi qua chỗ có tượng Phật, Bồ Tát, nên chắp tay xá.
  • Khi cầm kinh, tượng phải cầm hai tay và ngang ngực. Không được cầm một tay như cầm các vật khác, cũng không được đặt để tùy tiện hoặc kẹp dưới nách.
  • Không được cuộn tròn quyển kinh.
  • Khi đi qua những nơi có thờ Phật hoặc Bồ Tát ở trong chùa, không được vái xin rồi tự ý lấy đồ ăn, thức uống, hoặc các vật đang cúng ở trên bàn thờ. Phải được thầy trụ trì cho phép mới được lấy.
 
  • Trong chùa có trồng cây trái, nếu chưa được thầy trụ trì cho phép thì không được tự ý hái ăn.
  • Không được quay lưng về phía tháp Phật hoặc thánh tượng mà hạ phong.
  • Phật tử không nên tùy tiện cạo tóc như người xuất gia. Nếu phải cạo tóc thì không nên mặc y phục thể hiện hình tướng như người xuất gia vì ăn mặc như thế khiến cho mọi người lầm tưởng là tu sĩ, nên họ cung kính xá chào thì phước đức của mình sẽ bị suy giảm và nghiệp chướng nặng nề sẽ gia tăng.
  • Không mang đồ ăn mặn bia rượu vào chùa.
  • Không nên có những cử chỉ tình tứ, chăm sóc bạn gái hay bạn trai của mình quá mức.
  • Không khạc nhổ nơi có người đi qua lại.
Nếu cần thiết thì phải tìm chỗ kín đáo và cúi thấp người xuống để khạc nhổ.
  • Không chạy nhảy, cười cợt, huýt gió, ca hát, nói lớn tiếng, hoặc gọi từ xa trong khuôn viên chùa.
  • Không được để gậy, dù, chổi v.v... dựa vào chánh điện hoặc tháp Phật.
 
Nam mô A Di Đà Phật.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Phật Linh – Ba thế hệ một ngôi chùa

Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào về văn hóa truyền thống phong...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây