Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào về văn hóa truyền thống phong tục tập quán của người dân Việt, đặc biệt về tín ngưỡng Phật giáo. Qua đó, chúng ta thấy rằng mái chùa luôn luôn gắn liền với đất nước và dân tộc, không thể tách rời nhau. Mái chùa có trang nghiêm bao nhiêu, thì đó cũng đóng góp một phần làm nền tảng đạo đức nhân loại nói chung, cho đất nước dân tộc ta nói riêng.
Vào năm 1972, sư Pháp Minh, thế danh Huỳnh Văn Kiệm đã tìm đến miến đất này và đặt đá xây dựng đầu tiên. Chùa Phật Linh có tên từ đó, chùa nằm trên đường quốc lộ 51, thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1973, sư cùng với ban hộ tự khởi công xây dựng ngôi Tam bảo công trình xây dựng gặp nhiều khó khăn về kinh tế vì trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Do đó, công trình xây dựng kéo dài mãi đến năm 1976, thì sư viên tịch, và để lại ban hộ tự cùng hàng môn đồ hiếu quyến bơ vơ.
Sư cô thích nữ Vạn Thanh, thế danh Huỳnh Thị Hoa, là con gái thứ sáu của sư, xuất gia với HT.Thích Đồng Huy, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh BR-VT. Sau đó, sư cô về Trụ trì chùa Phật Linh. Sư cô cùng với ban hộ tự cũng luôn luôn quyết tâm trùng tu lại ngôi Tam bảo như hoài bảo của sư ông trước kia. Sư cô vừa lo giấp tờ trùng tù, và lo đắp vá ngôi chánh điện xuống cấp. Sư cô thường nói với Phật tử: “Tôi nhìn thấy ngôi Tam bảo hình thành rồi tôi mất cũng mãn nguyện”. Đến khi bắt đầu thi công xây dựng, thì bệnh nặng bộc phát. Đầu năm 2007, sư cô đã viên tịch. Cho nên cũng không thực hiện được ước nguyện nói trên.
Đại đức Thích Hạnh Định là con trai của sư cô trụ trì. Thầy làm việc ở Ấn Độ về, và cùng với ban hộ tự tiếp tục lo việc trùng tu ngôi Tam bảo. Được sự ủng hộ nhiệt tình từ chư tôn đức ở tỉnh hội và các cấp chính quyền giúp đỡ giấy phép. Năm 2007, ban hộ tự khởi công xây dựng. Theo ước tính của công ty xây dựng công trình chi phí khoảng 1,4 tỷ đồng, làm khoảng 8 tháng. Ban hộ tự lúc bấy giờ chỉ có vài trăm triệu, không đủ để thuê công ty xây dựng nhưng cũng may các anh em Phật tử đã có kinh nghiệm về xây dựng lâu năm, phát tâm giúp đỡ làm phần móng trước. Sau đó, thì kinh phí khó khăn, nên tạm ngưng vài tháng. Sự tiến hành công trình bị lệ thuộc vào sự ủng hộ của Phật tử cũng như bà con trong gia đình. Do đó công việc cứ từ từ.
Chúng tôi còn nhớ đầu mùa mưa năm 2008, thầy Hạnh Định và anh Thắng (chú em bà con) cùng hai anh Phật tử (anh Đẹp và anh Dọn) mua toanh về để đúc mấy chục cột tròn bê tông. Mỗi cây cột phải đúc từ 3 – 4 ngày mới xong. Những ngày trời mưa to thì có thể kéo dài thêm. Đây là một trong những kỷ niệm khó quên trong công trình xây dựng ngôi Tam bảo này. Khi làm xong phần cột thì bí, không ai biết làm phần mái cả. Lúc đó, mọi người phải tìm người thợ chuyên môn làm chùa. Gần hai tháng mới tìm được anh Quang Phật tử hứa khả giúp đỡ làm phần mái chùa cho. Mọi người đều vui mừng làm sao!
Trong thời gian làm phần mái kéo dài hơn cả nữa năm, mà lại gặp tình hình kinh tế khó khăn vật giá leo thang: xi măng, sắt thép… giá cả lên vùn vụt, làm cho kinh phí tăng ngoài dự tính. Ban hộ tự phải đi vay mượn tiền thêm để chi trả công thợ hằng tuần. Tuy nhiên, cũng nhờ quý Phật tử bên vật tư xây dựng, công ty đá hoa cương, công ty tượng đá non nước đã giúp cung cấp vật tư thiếu v.v… nhờ vậy công trình xây dựng được hoàn thiện đến ngày hôm nay.
Ngôi chánh điện có diện tích khoảng 350m vuông, với chiều ngang 13m, chiều 27,5m và chiều cao của cổ lầu là 16m. Trước chánh điện thờ tôn tượng Quan Âm cao 3,5m, bằng đá non nước, đứng trong hồ bán nguyệt, với tư thế độ sanh. Bước vào trong sảnh đường là đức Di Lặc Bồ Tát, làm bằng đá trắng sữa, đang ngồi với nụ cười hoan hỷ dành tặng cho đời. Bên trong chánh điện thờ tôn tượng Phật Di Đà cao 5m, bằng chất liệu mủ cứng, Ngài đang đứng trong tư thế từ bi tiếp dẫn chúng sanh; hai bên tường thờ ngài Hộ Pháp và ngài Tu Diện. Bên hông phải khắc bộ kinh A Di Đà, bên hông trái khắc 48 lời nguyện của Ngài. Phía sau nhà Tổ là thờ tôn tượng Tổ Sư Đạt Ma, Người đã đem giòng phái thiền từ Ấn Độ sang Trung Hoa.
Tổng chi phí tất cả khoảng hơn 3,5 tỷ đồng. Thật ra, ban hộ tự rất mừng; thứ nhất là hoàn tất hoài bảo của sư ông, và thứ hai là trong thời gian dài thi công không có tai nạn gì xảy ra cả.
Nhớ lại qua quá trình xây dựng này không phải chỉ có 3 năm, mà thật ra đã gần 40 năm rồi và đã trãi qua 3 thế hệ… Sự hiện diện ngôi Tam bảo này đã phải mất biết bao thời gian, bao công sức và tiền bạc của những người đi trước, những người đi sau để có được giá trị tâm linh thiêng liêng và khẳng định sự trường tồn của Phật pháp. Đây cũng là một địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng đối với du khách và Phật tử gần, xa. Quý Thầy thường dạy: “Xây dựng một ngôi Tam bảo đã khó như vậy, huống chi xây dựng con người đạo đức lại càng khó hơn”.
Ban hộ tự xin nguyện tạo ngôi Tam bảo này làm nơi thanh tịnh cho mọi người đến tu học Phật, để cùng nhau hướng thiện, hướng thượng và hướng đến sự giải thoát giác ngộ; ngõ hầu phụng sự cho đất nước, dân tộc, cũng như cho Giáo hội. Toàn thể ban hộ tự chùa Phật Linh thành tâm cảm niệm tri ân chư tôn đức Tăng, Ni đã giúp đỡ cố vấn cho chúng con, xin tri ân Đảng ủy, ban Tôn giáo huyện, tỉnh, cùng các cấp chính quyền đã ủng hộ giúp đỡ trong mọi lĩnh vực, và xin cám ơn quý Phật tử gần, xa ủng hộ từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt, xin hồi hướng phước báo này đến sư ông Pháp Minh và sư cô trụ trì Vạn Thanh sớm thành Phật đạo.
Tác giả bài viết: Giác Niệm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào về văn hóa truyền thống phong...