Ladakh ở chốn nào?

Thứ bảy - 08/10/2016 19:48 Đã xem: 3068
Trên đường ngồi xe lửa tới Delhi chúng tôi gặp anh Tây Ba Lô từ Mỹ. Anh ta kể rằng từ khi 20 tuổi tới nay, đã hơn 10 năm, anh vác Ba-lô lang thang tham quan các châu trên thế giới : Mỹ châu, Úc châu, Âu châu, Á châu, Phi châu. Ấn Độ là nơi mà anh đến trong thời gian gần đây nhất.
Ladakh ở chốn nào
Ladakh ở chốn nào

BODHGAYA ngày 10/08-04

DUYÊN KHỞI

Trên đường ngồi xe lửa tới Delhi chúng tôi gặp anh Tây Ba Lô từ Mỹ. Anh ta kể rằng từ khi 20 tuổi tới nay, đã hơn 10 năm, anh vác Ba-lô lang thang tham quan các châu trên thế giới : Mỹ châu, Úc châu, Âu châu, Á châu, Phi châu. Ấn Độ là nơi mà anh đến trong thời gian gần đây nhất. Mỗi năm Anh chỉ cần bỏ ra vài tháng là đủ cho anh lang thang các nước, và đến khi nào hết tiền thì mới chịu trở về làm tiếp. Chúng tôi hỏi anh ta rằng những người học ra trường thường kiếm việc làm và lo sự nghiệp, còn anh có cảm thấy mình lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc không? Anh trả lời : “Sở thích của tôi là du lịch để tìm hiểu học hỏi những gì mới lạ trên trái đất nầy. Nếu chúng ta hiểu và biết được nơi này chốn nọ, thì thế giới nầy không còn gì lạ với chúng ta nữa. Như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa, nếu không, chẳng lẽ ăn uống, ngủ nghỉ, rồi chết hay sao!” Nghe anh nói cũng có lý, nên chúng tôi hỏi thêm : “Vậy ở Ấn Độ anh thích tham quan chốn nào nhất ?” Anh trả lời chỉ có dãy nuùi Hy Mã Lạp Sôn là nơi hấp dẫn anh nhất.

Những thập niên gần đây, hễ ai nghe nói đến Kashmir, thuộc vùng biên giới tây bắc Ấn Độ là nghĩ ngay đến nơi thường xảy ra tranh chấp máu lửa giữa nước Ấn Độ và Pakistan. Đó là lý do chính mà khách du lịch đều ngại đến nơi này. Kashmir là một trong 28 tiểu bang của Ấn Độ. Người Ấn thường gọi vùng này là : “The Heaven of India ”(Thiên Đường của Ấn Độ) vì nó rất cao và nằm trọn vẹn trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Kashmir có diện tích 222236 km2; dân số 7.7 triệu; thủ đô tên Srinagar; ngôn ngữ chính gồm Kashmiri, Dogri, Urdu, Ladakhi. Thành phố lớn thứ nhì là Jammu; dân số 230000 người. Thường những người du lịch trong cũng như ngoài nước đến đây dừng chân để đi tiếp lên Kashmir (Srinagar). Cả hai điểm nầy nằm phía tây, giáp biên giới với Pakistan, do đó người Ấn thường nói những vùng nầy : “Never peace – không bao giờ hòa bình”.

Phía đông của Kashmir là vùng Ladakh, giáp với Tây Tạng, nay nước nầy thuộc về Trung Quốc. Ladakh còn gọi là “Shangri-la”; “The Little Tibet” vì người dân tị nạn Tây Tạng sống ở đây khá đông.

Đã từ lâu, chúng tôi được quý Thầy Tây Tạng giới thiệu và rủ đi tham quan một chuyến, nhưng tiếc không có dịp. Hôm nay nhân dịp đưa Toàn, người em trai đi Delhi, sẵn cơ hội nầy, chúng tôi mạo hiểm đến Ladakh như ước nguyện bấy lâu. Chúng tôi gói gọn hai bộ đồ, một cái áo ấm, một cái nón len, chút ít đồ cá nhân… và một cuốn tập vào trong ba-lô. Trước khi đi chúng tôi dự định sẽ viết và ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi như một hồi ký cá nhân, và sau nầy có thể chia xẻ với những ai chưa có dịp đi hay dự định sẽ đi Ladakh.

Lúc 2 giờ 25 chiều ngày 25/07/04, tôi và Toàn dùng xe lửa từ thị trấn Gaya đi Delhi, chặng đường dài 993 km, và hơn 11 giờ trưa hôm sau mới tới nơi. Hai chúng tôi, sau khi ăn trưa, vội vã tới khu phố Majnu Katilla là khu tị nạn của người Tây Tạng ngay tại thủ đô Delhi, nơi đây có nhiều nhà hàng, khách sạn tương đối sạch sẽ, giá cả phải chăng, ngoài ra còn có rất nhiều văn phòng du lịch, du khách có thể ở, ăn, và mua vé máy bay, tàu hoả, xe buýt đi các nơi từ đây rất tiện. Chúng tôi mua 2 vé xe buýt, mỗi vé 275 rupees. Từ Delhi tới Manali, 477 km, mất khoảng 13 tới 15 tiếng đồng hồ. Xe buýt thường khởi hành 7 giờ 30 chiều và tới Manali khoảng 10 giờ sáng.

Trên chặng đường dài dằn xốc, cứ vài tiêng đồng hồ, bác tài xế cho xe dừng để hành khách làm vệ sinh cá nhân, ăn tối hoặc ăn sáng.

Hồ Rewalsar ( Tso Pema )

Sáng sớm hôm sau, khi vào quán ăn dùng điểm tâm, tình cờ chúng tôi gặp hai người thanh niên trẻ, người Bhuttan ; hai em tự giới thiệu : một em tên Kelzang, em kia tên Chikey. Hai em hỏi chúng tôi từ đâu đến, và định đi đâu ? Sau một lúc trao đổi chúng tôi mới biết hai em nầy đi hồ Rewalsar, là nơi Ngài Padmasampava (Ngài Liên Hoa Sanh) bị thiêu oan. Thế mà trước đây chúng tôi hiểu lầm Rewalsar là nơi quê quán của Ngài.
Hồ Rewalsar có liên hệ đến cuộc đời ngài Liên Hoa Sanh, tôi và Toàn bỏ ý định đi Manali, chúng tôi ngõ lời cùng đi với hai em người Bhuttan đến hồ Rewalsar cho biết. Thế là chúng tôi bốn người tới thành phố Mandi khoảng hơn 8 giờ sáng. Thành phố Mandi nằm trên sông Beas cách Mannali 110 km phía bắc, cách Dharamsala 150 km về hướng tây bắc; dân cư 23000 người.

Xuống xe tại Mandi, trong lúc trời mưa tầm tã, em Kelzang đi mướn một chiếc xe mini-van để đưa chúng tôi tới Hồ Rewalsar. Từ Mandi tới hồ 24 km về hướng đông nam, mất một tiếng đồng hồ, phải qua nhiều đèo dốc cong quẹo đủ kiểu. Đến nơi, chúng tôi xin tá túc qua đêm tại tự viện Nyingmapa nằm bên bờ hồ. Nhìn qua cổng là cái sân chùa rộng rãi và chính giữa là Chánh điện thờ ngài Liên Hoa Sanh, còn hai bên là hai gian nhà Chúng và khách Tăng. Tự viện nầy không cách xa bờ hồ, được xây dựng đầu tiên nơi đây. Hai em người Bhutan đưa chúng tôi vào cất hành lý, sau đó vào Chánh điện đảnh lễ. Đứng trong sân Tự viện, chúng tôi ngắm nhìn cảnh vật nơi đây đẹp rất töï nhieân, rất mực thanh tịnh !

Quanh hồ còn có thêm hai Tự viện của Tây tạng, Zigar và Dregum Gompa, một chùa đạo Sith, một sôû thú, vài nhà trọ và vài quán ăn bình dân của Ấn và Tây Tạng. Tất cả đều quay mặt nhìn ra hồ, tạo cho du khách cái cảm tưởng rằng đây là một cái làng nằm sâu trong thung lủng nhỏ, và hồ như người mẹ luôn gần gũi và núi là người cha luôn bao bọc che chở xung quanh…

Thời gian gần đây, nhiều đoàn người hành hương của Ấn giáo, đạo Sith và Phật giáo đổ xô về hồ Rewalsar. Nghỉ thật buồn cười ! Ai cũng cho là đây là hồ thiêng của Tôn giáo mình. Tuy nhiên Phật giáo vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều. Người Tây Tạng có mặt ở đâu là giăng cờ đầy khắp nơi (trên cờ thường có in những bài Chú). Ở chung quanh hồ Rewalsar nầy cũng vậy. Tháng 02-2004, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã đến làm lễ và cúng một pho tượng của Ngài Liên Hoa Sanh, hiện đang xây tại hồ. Trước khi ngài Đạt Lai Lạt Ma đến, chính quyền địa phương cho sửa sang đường sá sạch sẽ và làm hàng rào quanh hồ. Hiện giờ hồ được người Tây Tạng trông coi.

Em Kelzang kể rằng khi xưa hồ chỉ là khoảng đất trống. Khi ngài Liên Hoa Sanh bị Vua xứ Mandi bắt và bị hoả thiêu tại nơi đây. Nhà vua cho người đốt nhưng Ngài không bị cháy maø ngöôïc laïi lượng dầu nhiều lênh láng ấy đã hoá thành hoà nước cho tới ngày hôm nay.

Theo truyền thuyết kể lại hết sức ly kỳ, ngài Liên Hoa Sanh được sanh từ hoa sen trong hồ “The Milk Ocean” ở thành “Oddiyana”, nay là thung lủng Swat của nước Pakistan bây giờ. Ngài ra đời sau đức Phật nhập Niết-bàn tám năm. Vị Vua Indrabodhi lúc bấy giờ không có con, nên tình cờ đi dạo cùng với các quan đại thần bên bờ hồ. Lúc đó, có vị quan chợt nhìn thấy đứa bé trên hoa Sen bèn quỳ tâu lên nhà vua. Vua ra lệnh cho đem về kinh thành, và sau vua nhận làm con nuôi luôn. Vua Indrabodhi không có đứa con nào để thừa kế cả, nên đã cho Ngài làm vương tử. Khi Ngài trưởng thành rồi lập gia đình với cô Khadro Od Changma. Có nhiều lần Ngài xin vua cha đi tu học đạo, nhưng bị vua cha khước từ.

Trong triều đình có vị quan rất hung ác. Con trai của vị ác quan nầy là bạn, thường đi lại chơi với vương tử Liên Hoa Sanh. Vương tử Liên Hoa Sanh có thần nhãn nhìn thấy được rằng con trai của vị ác quan sẽ bị chết yểu trong nay mai, do vì nghiệp đời trước của công tử con của vị ác quan đã sát sanh hại vật rất nhiều, kiếp nầy phải chiêu cảm quả báo chết yểu. Trong lúc chơi chung, Vương tử Liên Hoa Sanh suy nghĩ rồi liền ra tay hành động : muốn ra khỏi kinh thành mà không có cơ hội, chi bèn haïi chết công tử con trai của vị ác quan thì đức vua sẽ đày Ngài đi xa. Quả nhiên như vậy, vua cha không xử chết Ngài, mà đày Ngài ra ở nghĩa địa, để chịu nóng lạnh, đói khát.

Nhân cơ hội nầy Ngài bỏ trốn, đi tìm thầy học tu khổ hạnh. Ngài sang Ấn Độ đi các nơi Phật tích, học Luật với ngài Ananda, học Mật tông với ngài Manjusri (Ngài Văn Thù), học về Tánh không với Ngài Nagarjuna (Ngài Long Thọ), Humkara .v.v. Rồi ngài đi tới thành Sahora, tức là thành phố Mandi ngày nay, và Ngài đã chọn các hang động trên đỉnh núi cách hồ Rewalsar 11 km để ẩn tu. Ngài ở đây tu một thời gian khá lâu.

Công chúa Mandarava, xứ Mandi, đã được nhiều Thái tử từ các xứ khác đến cầu hôn, nhưng bị công chúa từ chối. Công chúa không có ý định lập gia đình. Một hôm, công chúa đi dạo trong núi, tình cờ gặp ngài Liên Hoa Sanh và xin thọ giáo pháp. Kể từ đó, công chúa ở lại trong núi tu hành. Nhà vua hay tin và bị nhiều ông quan nghi ngờ và tâu lên vua rằng công chúa đã bị đạo sĩ kia dùng phép thuật dụ dỗ… Nên nhà vua tức giận, truyền lệnh lên bắt trói Ngài và dùng dầu thiêu sống. Họ đã đốt, nhưng Ngài không bị cháy, ngược lại dầu hoá thành hồ nước (tức là Hồ thiêng Rewalsar bây giờ). Từ đó, nhà vua không nghi ngờ Ngài nữa, và đem lòng kính phục Ngài và ủng hộ Phật pháp.

Thời gian sau đó, từ giã Mandi, đi về hướng bắc, Ngài đến động Maratika, thuộc lãnh thổ nước Nepal ngày nay, để ẩn tu Mật tông. Ngài đã thành tựu rốt ráo pháp tu nầy. Sau khi thành tựu pháp tu, Ngài lặn lội trở về thành Oddiyana. Nơi có người cha nuôi, vua Indrabodhi và vị ác quan, cha của vị công tử yểu mệnh mà Ngài đã nhìn thấy bằng thần nhãn và Ngài đã cố ý hại chết. Ngài cố ý hại chết công tử vì mục đích vừa giúp cho mình sẽ được đầy ra khỏi kinh thành, vừa giúp cho bạn được mau tái sanh cảnh khác. Ngài trở lại thành Oddiyana lần nầy là để độ cho người cha nuôi, độ vị ác quan cũng như nhiều người khác trong triều. Hay tin Ngài trở về, vị ác quan đã xúi giục vua xử Ngài về tội giết người. Vua phải đành ra lệnh đem Ngài thiêu sống. Ngài chấp hành lệnh vua cha nhưng Ngài đã dùng thần thông biến lửa thành hồ nước; khi ấy Ngài ngồi an nhiên bất động trong hoa sen nổi trên mặt nước. Ngài được mọi người kính mộ và Ngài ở lại nơi đây mười ba năm để giáo hoá. Sau mười ba năm ấy, Ngài đi hoằng Pháp nhiều nơi trên xứ Ấn Độ.

Ngài Liên Hoa Sanh đã đạt pháp bất sanh bất diệt, Ngài có thể kéo dài mạng sống của mình như ý muốn. Ngài đã sống khoảng một ngàn năm trước khi đến xứ Tây Tạng.

Vào thế kỷ thứ chín vua Thrisrong Deusten thống lãnh đất nước Tây Tạng. Thrisrong Deusten là vị vua trí dũng, đã dám xua quân vào Trường An của Trung Hoa, thời đại nhà Đường, và vó ngựa của ông ta đã nỗi bụi tại xứ sở rộng lớn Magadha (Ma Kiệt Đà) trung tâm Ấn Độ. Sau thời gian, chán cảnh chiến chinh, dành thời gian tìm hiểu Phật giáo, vua Thrisrong đã mời ngài Santaraksita là vị trụ trì Trường đại học Nalanda, sang Tây Tạng hoằng pháp. Ngài Santaraksita đến Tây Tạng xây dựng tu viện Samye và sáng lập Phật giáo, nhưng bị các vị ác quan và các ngoại đạo đả phá cản trở đủ thứ… Theo tiên đoán và đề nghị của ngài Santaraksita thì nhà vua nên thỉnh ngài Liên Hoa Sanh, từ Ấn độ sang Tây Tạng ; chỉ có ngài Liên Hoa Sanh mới có đủ năng lực khuất phục ngoại đạo. Đúng như lời đề nghị của ngài Santaraksita, ngài Liên Hoa Sanh đến Tây Tạng đã hàng phục các ngoại đạo và độ cho vô số người khác. Do đó, ngài Liên Hoa Sanh được coi như vị Tổ khai sơn Phật giáo Tây Tạng và nước Bhutan. Về cuối đời, ngài Liên Hoa Sanh lên núi và biến mất ở gần thành phố Paro, nước Bhutan bây giờ, không còn ai biết tông tích Ngài sau đó. Người đời nói Ngài là Phật sống thứ hai, bất sanh bất diệt.

Kelzang đã kể cho chúng tôi về sự tích hồ thiêng Rewalsar và biết đường đến hang động nơi ngài Liên Hoa Sanh tu tập nhưng Kelzang lại bận phải tới nhà người quen, nên chỉ có Choekey đưa chúng tôi đi mướn một chiếc xe mini Van, giá 200 rs, để chở chúng tôi lên núi. Hang động của Ngài Liên Hoa Sanh tu tập, trên đỉnh núi, cách hồ Rewalsar hơn 11 km. Trên đường đi ngoằn ngoèo, nguy hiểm nhưng được cái là ngắm phong cảnh thật đẹp. Đến nơi, xuống xe, thấy ở chân cổng vào khu di tích, có vài quán nước lại có bán nhang đèn cho khách hành hương, chúng tôi ghé vào mua ít nhang đèn để thắp cúng dường khi vào động. Theo Choekey bước lên vài bậc tam cấp dẫn lên núi, rẽ phải, chúng tôi thấy có căn nhà tường xây sát vách núi. Một bên hiện có vài Sư cô Tây Tạng ở, một bên là cửa vào hang động. Cửa động khá rộng, có thể ngồi 15 người, là nơi các Sư cô Tây Tạng ngồi tụng niệm. Đi vào động, lần theo cái hang, một lối đi lên rất hẹp, chỉ vừa đủ cho một người vừa đi vừa khom lưng mới vào động được. Trong động có khoảng trống thoáng mát; nền động rộng đủ cho 4, 5 người ngồi. Người ta tạc tượng ngài Liên Hoa Sanh cao khoảng 3, 4 m trên vách động. Choekey ra hiệu cho chúng tôi biết kế bên vách động có một lối nhỏ đi xuống, cũng phải khom lưng mà đi. Vào trong một động khác, thấy có Sư cô người Âu Châu đang ngồi đọc kinh, chúng tôi rón rén, sợ làm động, nên đứng ngoài nhìn vào. Động nầy nhỏ chỉ 2,3 người ngồi. Trong động nầy có lập một bàn thờ nhỏ, thờ tượng một người phụ nữ. Choikey bảo đây là động của công chúa Mandarava.

Choikey dẫn chúng tôi ra khỏi hang và chúng tôi leo lên phía trên, lại có thêm cái hang động nữa. Hang nầy có làm các cấp cho dễ đi, dài khoảng 3m thì có một hang động đủ 2, 3 người ngồi thiền. Tại động nầy, có một thanh niên Tây phương đang nhập định hồi nào không biết, chúng tôi chỉ nhìn thoáng qua và lùi ra. Chính động nầy là nơi ngài Liên Hoa Sanh tu tập, còn động phía dưới là nơi tu tập của công chúa xứ Mandi.

Xung quanh ngọn đồi có vài Sư cô Tây Tạng dùng đá xếp thành những am cốc để an trú tu tập. Chúng tôi nhìn những am cốc kia mà ái ngại, khi mùa đông đến, mấy Sư cô làm sao chống lại cái lạnh của tuyết và gió ! Từ cửa động có thể nhìn thấy một cái hồ nhỏ và người dân tộc đang trồng tỉa phía dưới. Họ trồng bắp, hoa màu khá xanh tốt. Nhà cửa của họ xây bằng đá chẻ; mái cũng lợp bằng những phiến đá. Do đó nhìn ngôi nhà xây rất kiên cố và đẹp.

Ai đến đây cũng đều thích. Khí hậu mát mẻ, phong cảnh vắng lặng, thanh bình, an lạc làm sao ! Như vậy những ai muốn tìm về sự tĩnh lặng, thì nơi đây chính là nơi chốn thích hợp.

Khi về lại tu viện Nyingmapa, chúng tôi thấy chư Tăng Ni Tây Tạng từ Dharamsala về Tu viện tụng kinh rân rang, trầm hùng; đặc biệt hôm nay là ngày sinh nhật của ngài Liên Hoa Sanh. Cứ mỗi 12 năm, vào năm Thân (the year of the Monkey), các tu sĩ Tây tạng ở rải rác trên vùng núi nầy thường vân tâp về đây tổ chức lễ sinh nhật và tham dự khoá tu trọng thể. Nhân cơ hội nầy hai anh em chúng tôi phát tâm cúng dường chút ít tịnh tài cho chư Tăng Ni. Đây là bổn phận người con Phật phải hộ trì Tam Bảo và nhất là Tăng Bảo. Nếu Tăng Bảo không còn thì không ai sẽ nối tiếp mạng mạch Phật pháp trong tương lai…

Chúng tôi lại được hai em Bhutan dẫn đi thăm hai Tự viện Tây tạng, thăm chùa đạo Sith. Các chùa viện, cái nào cũng được xây dựng tương đối lớn. Sáng chiều người dân Tây tạng, dân địa phương cả già lẫn trẻ đều đi kinh hành niệm Chú quanh hồ Rewalsar. Có người đi tam bộ nhứt bái, họ lạy theo kiểu toàn thân nằm sát đất, dù mặt đất có dơ bẩn, ướt át cũng không ngại, chứng tỏ niềm tin của họ hết sức kiên cố. Những ông già bà cụ sức yếu ngồi vòng tròn trong sân chùa, lần chuỗi niệm Phật. Ai ai cũng đều lo tu, chúng tôi vô cùng cảm kích !

Phần đông các Tăng tín đồ Phật giáo Tây Tạng, Bhutan, sinh trưởng trên các cao nguyên giá lạnh, thường nghiêng về tâm linh, tín ngưỡng. Chỗ quy ngưỡng của họ là các Thánh tích thiêng liêng, hoặc các Thánh tăng đang sống và hướng dẫn kinh nghiệm tâm linh cho họ.

Sáng 28 tháng 08, hai em Kelzang và Choikey cùng chúng tôi ra quán dùng cơm trước khi chia tay.

Khu vực nầy nhiều quán ăn bình dân của Ấn và Tây Tạng. Tuy những món ăn chay địa phương không hợp khẩu vị, nhưng chúng tôi cũng cố ăn cho có sức …. Chỉ tội cho Toàn cứ bị đau bụng mãi…

Xe đò từ từ lăn bánh, vẫy tay chào Kelzang và Choikey, chúng tôi từ giã nhau trong niềm thân thiết. Tôi và Toàn đi Manali. Đi hành hương như chúng tôi, nếu chịu khó ngồi xe đò địa phương thì không tốn kém nhiều nhưng phải chịu đựng dằn xốc, lắc lư khi xe lên đèo, xuống dốc; chấp nhận ăn ngủ “bụi” thì mới thấm thía được chiều sâu cuộc sống.

Tới Manali trời đã về chiều, chúng tôi không phải đích thân đi tìm nhà trọ. Thường ở những trạm xe buýt, khi xuống xe là có nhiều anh thanh niên đến gạ hỏi khách thập phương có cần khách sạn không ? Cũng may cho chúng tôi, có anh thanh niên cho giá 100 rs/1 đêm ở Green hotel. Tá túc ở đây một đêm, may mắn chúng tôi lại được giữ hai chỗ trên chiếc xe Jeep đi Ladakh vào 4 giờ sáng ngày mai, mỗi chỗ 800 rs. Không đắt gì lắm ! Mừng quá! Coi như suôn sẻ cả. Nằm trong Green hotel, với trạng thái an tâm, thong thả đọc Guide Book giới thiệu về Manali. Manali cao 2050 m, dân cư 2600 người, nhưng có thể đây là con số trước kia, vì ngày nay có thể con số đã nhảy vọt xa rồi. Vì đã có nhiều dân các nơi về mở nhà hàng khách sạn làm ăn, phục vụ cho khách du lịch trong cũng như ngoài nước. Mùa hè người ta đến đây (Manali), tránh cái nắng gay gắt ở Delhi hay những vùng khác … còn mùa đông lại là nơi ngồi nhìn tuyết rơi, thật tuyệt !.

Trên đường đi Ladakh

Cảnh trên đường đi

Ngã lưng qua đêm ở Green hotel chừng vài tiếng đồng hồ, 4 giờ sáng chúng tôi thức dậy ra xe, chờ chất hàng tới 5 giờ 30 mới khởi hành. Từ Manali tới Leh, đường dài 475 km. Xe jeep chở chúng tôi phải vượt qua nhiều vùng như Rohtang Pass 51km, cao 3980m; Keylong 115 km, cao 3349m; Jispa 147 km, cao 3142m; Baralacha Pass 190 km, cao 4892 m; Sarchu 222 km, cao 4253 m; Lachalang-La Pass 276 km, cao 5065m; Pang 299 km, cao 4630m; Taglang-la Pass 364 km, cao 5360 m và Leh 475 km. Thường đoạn đường nầy chỉ mở vào giữa tháng 7 tới tháng giữa tháng 9, tuy nhiên đôi lúc cũng có thay đổi, tuỳ thuộc vào thời tiết tốt hay xấu. Nếu du khách đi vào cuối tháng 8 có lẽ là thời điểm tốt nhất, vì đã cuối mùa mưa, ít có bị lở đường … Từ Manali xe cứ lượn qua những khúc quanh co ngoặc ngoèo qua các sườn núi, và từ từ lên mãi, lên mãi với độ cao hơn 3000 m. Đoạn đường nầy còn thấy có cây cối, hoa cỏ và dân làng sống thưa thớt, họ canh tác trồng trọt trên sườn núi.

Từ dãy núi Baralacha-la tới Sarchu tới Lachalang-la cao 5065 m. Và điểm cao nhất trong suốt đoạn đường là Tanglang-la 5360 m. Từ đỉnh núi Baralacha-la tới Tanglang-la đoạn đường dài khoảng 270 km, thì hình như chúng ta hoàn toàn không còn thấy người ở nữa, ngay cả cỏ cây cũng không có, chỉ có những ngọn núi trơ trọi với toàn cát đá mà thôi. Chúng ta cũng có thể thấy vài đám tuyết lớn nhỏ trên các đỉnh núi đá.

Trên đoạn nầy, đường rất xấu, có lúc xe phải lội qua vài con suối, hoặc chạy trên những con đường nhỏ hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Chúng tôi nhớ lại, cách đây vài tháng, đi Darjeeling và Sikkim (hay còn gọi nước Kim) đường cũng nguy hiểm, nhưng dẫu sao đường Darjeeling và Sikkim đỡ nguy hiểm hơn ở đây. Hai bên đường rừng ở Darjeeling hay ở Sikkim có trồng nhiều thông, hoặc tùng, hoặc dầu … sừng sững, cao to bên vách núi, nếu xe gặp nạn thì có thể vướn lại. Ở đây, hai bên đường không cây cối gì cả, nhìn xuống thăm thẳm, chóng mặt. Vách núi ở đây là cát và đá nhỏ, nên khi Tuyết tan hoặc mưa to có thể lở núi một cách dể dàng.

Trên suốt đoạn đường, thấy vài căn cứ quân sự Ấn, cũng là điểm kiểm tra Hộ chiếu, bên cạnh các căn cứ quân sự, có mấy quán ăn nhỏ để phục vụ khách du lịch. Còn trên những đoạn đường như Sarchu (cách Manali 222 km), Pang (cách Manali 299 Km) .v.v. có nhiều căn lều lớn nhỏ, nằm dọc theo bờ suối; đấy là những quán ăn, cũng là những khách sạn, hay nhà trọ đấy.

Tại Pang, xe leo dốc núi cao, tiếng máy xe gầm lên, toả mùi khét lẹt; khi tới đỉnh, chúng ta vô cùng ngạc nhiên sao trên đỉnh núi lại có một khoảng đất trống rộng thênh thang, không ngờ ! Tại đây, đường xe chạy thẳng tắp có hơn 48 km thì tới đỉnh Tanglang-la. Ồ! tại đây, hai bên đường, xa xa, có những ngọn đồi nhấp nhô. Nhìn quanh không người, không nhà, không cỏ cây, chỉ toàn là cát đá mà thôi. Không khí loãng. Mặt đất toàn cát đá nhưng rất sạch sẽ, rất nguyên sơ, vô nhiễm. Hèn gì trong sách Guide Book có đề cập thêm một cái tên nữa để gọi Ladakh là Đất Mặt Trăng (the Moonland). Như vậy hễ ai đã đến đây cũng ví như mình đã lên tới cung Trăng rồi đấy! Chúng tôi cảm nghĩ văn chương của mình không đủ để diễn tả cái khung cảnh nầy, chỉ có ai đến đây rồi thì mới cảm nhận mà thôi. Không khí ở đây rất trong lành, ít oxy hay nói cách khác không khí nhẹ và loãng, vì độ cao đã hơn bốn, năm ngàn mét. Do đó có người lên đây cảm thấy khó thở hoặc nhức đầu … thường mùa hè không đến nỗi khó thở lắm, chỉ sợ mùa đông thôi. Mùa hè thời tiết có thể thay đổi nóng lạnh bất chợt. Vì vậy nếu ai đi Leh hoặc đi đường nầy thì tốt nhất chuẩn bị cho mình một cái áo ấm, nếu không có thì lạnh lắm !

Xe chạy trên dãy núi Taglang-la, trời đã xụp tối, nhưng đêm nay là đêm 13 ÂL, nên Trăng sáng lắm. Ánh trăng chiếu vào những tảng đá trắng trên núi, những tinh thể đá phản chiếu lấp lánh, óng ánh màu bạc, cảm tưởng như núi ở Taglang-la là núi kim cương, trông thật đẹp mắt.

Qua khỏi đỉnh Tanglang-la là xe xuống dốc. Từ chân núi Taglang-la cho tới Leh, khoảng 100 km, nhờ ánh Trăng, chúng ta bắt đầu thấy thưa thớt nhà cửa của dân làng. Đặc biệt, có rất nhiều cái Tháp lớn nhỏ chạy dọc hai bên đường, đôi khi Tháp còn xen lẫn trong xóm làng. Điều nầy làm chúng tôi ngạc nhiên. Xe đang chạy ban đêm, chúng tôi không thể tìm hiểu được tại sao có rất nhiều Tháp có mặt tại đây; sự hiện diện của chúng có ý nghĩa gì ?

Còn vài chục cây số nữa là đến Leh, dưới ánh Trăng khuya, anh tài xế cho xe chạy nhanh trên con đường làng nhỏ hẹp. Tôi cảm thấy thật mệt mỏi, buồn ngủ. Suy thân ta ra thân người, chắc anh tài xế còn mỏi hơn tôi, nhưng bổn phận và trách nhiệm đã giúp anh tĩnh táo tạm thời. Xong việc, anh ta sẽ ngủ vùi trong cơn say mệt.

Xe vào bến ở Leh, đã hơn 11 giờ rưỡi khuya. Nhìn quanh tối om chỉ có mấy chiếc xe và vài anh tài xế.

Tôi hỏi các anh tài xế : “Quanh đây có nhà trọ nào không ?”

Mấy anh trả lời : “Ở đây thì không, phải vào trung tâm phố mới có”.

Tôi mềm mỏng : “Cách đây bao xa ?”

Mấy anh tài xế trả lời trong lúc ngáp : “Chừng 3 cây số”.

Tôi nhờ họ có thể giúp đưa chúng tôi tới chỗ nhà trọ, nhưng không ai chịu đi cả. Có lẽ họ cũng quá mệt mỏi rồi.

Tôi và Toàn, hai anh em chúng tôi là khách phương xa, đã thấm mệt, đã không biết đường sá, chưa có nơi tá túc, đứng giữa trời đêm. Tôi tỉnh ngủ hẳn và không biết làm sao để tìm chỗ ngủ đây. Chắc chắn ở vùng núi non như thế nầy, trời sụp tối là người ta chuẩn bị đóng cửa ngủ rồi, huống chi đã hơn 12 giờ khuya thế này còn ai thức nữa. Ngoài đường lạnh lẽo, không đèn, không người, chỉ có mấy con chó sủa om sòm trong đêm thanh vắng. Chúng tôi nhìn khung cảnh nhà cửa mập mờ như một thế giới hoàn toàn xa lạ, một thế giới mộng du. Toàn bơ phờ, đi không nổi và sợ sệt. Tôi cố bình tĩnh và nói giỡn để trấn an cho cả hai : “Bất quá mình ngủ khách sạn ngàn sao đêm này thôi, và hôm nay Trăng cũng đẹp, là cơ hội ngắm Trăng tốt đấy !”. Chú ta im lặng và gượng cười. Thế là chúng tôi vát ba-lô cứ lặng lẽ đi trong đêm vắng. Đi một khoảng đường chúng tôi thấy có một Guesthouse (nhà trọ) bên đường, nên bảo Toàn tới gõ cửa. Trời đã khuya họ không dám mở cửa. Đi tiếp một lúc nữa thì tới trạm xe taxi. May thay có vài anh tài xế taxi, chúng tôi nhanh nhẩu hỏi thăm gần đây có nhà trọ nào không. Các anh tài xế chỉ căn nhà đối diện : “Đó là khách sạn, nhưng giờ khuya quá đóng cửa rồi”. Thất vọng ! Đột nhiên, nghe tiếng cửa mở, có mấy người trong khách sạn bước ra, chúng tôi tiến tới hỏi, thì họ trả lời có phòng trống, một phòng 500 rs/1 đêm, nhưng nếu họ nói là 1000 rs, thì chắc chắn chúng tôi cũng đồng ý thôi.

Ngày đầu ở Leh

Ngủ một giấc tới sáng chúng tôi thức dậy và tìm cuốn tập để ghi chú hôm nay ngày mấy và ở đâu. Sau đó hai chúng tôi dùng sáng tại nhà hàng trong khách sạn. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài, chúng tôi nói với nhau trong tâm tưởng, đã lấy lại sức khoẻ : “Mình ở trong phố Leh rồi đó nhé!”

Ladakh

Theo sách Guide Book và sách Lịch sử Phật giáo thế giới cho biết rằng những người dân cư Ladakh hồi ban sơ là người Khampanomad. Họ là dân du mục, chăn những đàn cừu, dê, hay đàn yak (con Yak hơi giống như con Trâu) trên những đồng cỏ hoang. Dần dần định cư lập nghiệp dọc theo bờ sông Indus. Những thương gia hay qua lại ngang đây, và đồng thời Phật tử Ấn đi hành hương núi Kailash ở Tây Tạng (Kailash là núi Tu Di, nơi ngự của bồ tát Đại Thế Chí). Thế kỷ thứ 7 do sự ảnh hưởng của người Mông Cổ, nên người dân Tây Tạng tràn sang Ladakh. Khoảng thời đại vua Lhachen Tây Tạng năm 842, đã được dựng pháo đài và cung điện đầu tiên tại Shey. Vào giữa thế kỷ thứ 10 năm 950, cháu nội lớn của vua Glang Dar-ma ở phía Tây Tây Tạng là Nyi-mam Gon, mà đã cũng cố thống lãnh toàn bộ vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn. Sau đó ông ta chia lãnh thổ này cho ba người con trai. Đứa con đầu là vùng Ladakh; đứa thứ hai coi vùng Guge (hiện là vùng Kinnaur bây giờ); đứa cuối trị vì vùng Lahaul, Spiti, và Zanskar. Như vậy Ladakh là một vương quốc, và cũng trải qua bao sự thăng trầm của thời đại. Đến năm 1846 Ladakh được gia nhập nước Ấn Độ, và được kiểm soát của thành phố Jammu và Kashmir. Năm 1995 Ladakh được cho tự trị.

Vùng Ladakh dân số khoảng 170000 người; diện tích đất đai 96701 km2. Họ dùng bốn ngôn ngữ chính là tiếng Ladakhi, tiếng Purig, tiếng Tây Tạng, và tiếng Anh. Ladakh ngày nay được chia hai quận là quận Leh (thuộc về khu vực Phật-giáo) và quận Kargil (thuộc về Hồi giáo), nhưng quận Leh được coi như là Thủ đô vậy.

Sau khi dùng sáng xong chúng tôi rời khách sạn và đi vào phố. Trước khi đi chúng tôi cũng điểm vài nhà trọ và khách sạn trong bản đồ, nhưng bản đồ trong sách và cảnh phố bên ngoài hoàn toàn khác. Ngay cả người địa phương nhìn vào bản đồ cũng không biết mình đang ở đâu. Có thể họ không bao giờ dùng bản đồ thì phải, do đó họ chỉ trả lời bằng nụ cười và cái lắc đầu mà thôi. Chúng tôi ghé vào nhiều khách sạn và nhà trọ dọc theo các con đường trong phố. Có cái thì đắc tiền quá, còn có cái thì đã đầy rồi. Kiếm mãi không ra, vả lại không rành đường lắm, nên đành hỏi đại mấy anh bán hàng. Họ giới thiệu vào một gia đình người Ladakh. Nhà này hai từng; từng trệt cho người địa phương mướn rồi; còn lầu một họ có 3 phòng cho khách du lịch thuê. Những người trong gia đình dồn vào sinh hoạt vỏn vẹn trong phòng khách. Mấy phòng kia thì cho mướn.

Chúng tôi mướn một phòng ngủ khá rộng, 200 rs/ 1 ngày, có thể bốn người ở cũng được, có điều nhà vệ sinh chung và không có máy nước nóng. Tuy nhiên bên trong rất sạch sẽ, gọn gàng… Từ nhà nầy đi tới trung tâm thành phố chừng 5, 7 phút đi bộ . Khi chuyển tới chỗ ở mới, nằm nghỉ trưa vài tiếng đồng hồ, tôi lại đi dạo phố để mua nước uống và ít thức ăn. Toàn không dám đi đâu cả. Chú ta đang mệt và đang bị bệnh tiêu hoá, đau bụng hoài.

Phố Leh không lớn. Nếu chúng ta đi bộ khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ là hết ngay. Nhà cửa không xây dựng nhiều từng lầu cao ốc đồ sộ như ở những nước khác, nhiều lắm là vài lầu. Hầu như các kiến trúc đều xây dựng gần như giống nhau, ngay cả các Tự viện. Vùng Ladakh chỉ có cát và đá, nên họ dùng cát, đất hoà nhau thế cho xi măng; còn đá thế cho gạch. Những nhà khá giả dùng xi măng để trang trí nội thất hay làm khuông cửa và cửa sổ .v.v. chúng ta hỏi thử xem một bao xi măng đem từ Delhi tới Leh hơn 900 km, phải qua đoạn đường hiểm trở. Chắc chắn không rẻ rồi. Phần nhiều nhà nào cũng quét vôi trên tường và làm cửa sổ kiếng. Đặc biệt trên trần họ gác cây đòn tay khít với nhau. Phía trên là lót giấy Carton hay Nilon và trên nữa là cán một lớp bê tông (bê tông nầy không gì khác hơn là đất, cát và nước … pha trộn). Vào mùa hè nếu mưa lớn thì nước có thể rỉ xuống và làm hư lớp bê tông đất nầy dễ như trở bàn tay. Nhưng rất may cho họ một mùa hè chỉ mưa vài lần, có mùa hè không có mưa nữa. Phần nhiều nhà quanh phố đều có cái vườn ở trước hoặc sau nhà. Họ trồng nào khoai tây, bắp vải, cà to mát, … nói chung là rau quả. Xung quanh vườn nhà họ trồng một loại cây cao thẳng như cây Bạch Đàn ở Việt Nam. Chính cây nầy họ dùng làm đòn tay cho trần nhà. Dân ở Ladakh chỉ canh nông vào vài tháng hè thôi, còn những tháng kia lạnh lắm, nên cây cỏ hoa màu đều khuất bóng hết. Như vậy mùa hè chúng ta thấy khung cảnh sống của họ có môi sinh rất tốt.

Sát bên phố có một ngọn đồi cao. Giữa lừng đồi có một cung điện thật to và cổ xưa, nhìn giống như cung điện Potala trong thủ đô Lhasa ở Tây Tạng. Đó là cung điện Leh của Vua Ladakh, được xây dựng vào thế kỷ thứ 16. Nay Cung điện này điêu tàn, hoang vắng. Ban nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ đã mua lại từ gia đình Hoàng Gia Ladakh và hiện là nơi cho tham quan …

Nhìn thẳng đỉnh đồi có một ngôi chùa cổ, được gọi là Leh Gompa hay Tsemo Gompa. Do đó chúng tôi lần mò leo lên bờ dốc toàn đá, Ngọn đồi nầy toàn là cát và đá, mà lại đứng sửng. Chúng ta có thể đi lối khác, theo con đường mòn nhỏ vừa đủ hai người chen nhau. Chúng tôi trèo lên mà tưởng tượng lở trợt chân xuống là tới chân núi ngay.

Bước vào Chánh điện chùa Tsemo Gompa có một tượng Di Lặc ngồi trong tư thế thuyết Pháp, cao to khoảng 4, 5 m. Chúng tôi thành kính cúi xuống đảnh lễ và cúng dường kết duyên với Ngài, vì Ngài sẽ là bổn sư đương lai của chúng ta.

Ngôi chùa nầy được xây dựng vào năm 1430. Do đó Chùa đã bị hư hoại đi nhiều. Hiện vẫn có chư Tăng túc trực trông nom bảo trì. Đứng trên đỉnh đồi nầy chúng ta có cảm giác chơ vơ lắm. Vì khoảng trống đi qua lại không rộng rãi, nên cần phải chánh niệm luôn luôn. Chúng ta nhìn từ đây xuống sẽ thấy toàn cảnh phố Leh và các làng lân cận. Đẹp lắm! sắc thái phong cảnh ở đây có vẻ yên lặng thanh bình và rất tự nhiên, chưa bị ô nhiễm môi trường. Mùa hè mà chúng ta vẫn thấy không khí mát lạnh, tưởng chừng như Ladakh có máy lạnh thiên nhiên vậy. Trời xế chiều chúng tôi thả bộ xuống đồi về nhà.

Ngày thứ nhì ở Leh ( 31/08-04 )

Qua ngày thứ hai, sau khi ăn sáng xong hai chúng tôi đi bộ trở lại bến xe, cách phố 2 cây số. Chúng tôi ra đây đón xe đò đi Hemis. Hemis là tên địa phương và cũng là tên Tu Viện Hemis. Chúng tôi phải chờ cả nửa tiếng mới có xe. Đây là một loại xe đò cũ kỹ địa phương, chở khoảng 30 người. Từ Leh tới Hemis 45 km, 15 rs/ 1 người. Chúng tôi biết Hemis qua sách và vài người giới thiệu, nơi đó có Tu viện rất to .v.v. Quả nhiên như vậy! Đứng gần không cách nào chụp hình được toàn cảnh chùa cả. Phải đứng xa mới có thể chụp được. Tu Viện nầy được xây dựng vào năm 1630, hiện có gần 500 vị đang tu học; vị Chủ trì (Gyalwang Dukpa) là một vị tái sanh đời thứ 12. Trong Tu Viện có 3 nơi để cho khách du lịch viếng thăm. Một nơi thờ Phật, chỗ nầy khá rộng, đã cũ quá và đang chuẩn bị sửa lại. Một gian phòng thờ Tổ và cũng là nơi thuyết Pháp cho đại Chúng. Trước cửa ra vào có lối đi lên lầu là có một điện thờ ngài Liên Hoa Sanh to khổng lồ. Ngoài ra họ không cho đi vào khu vực chư Tăng ở. Chúng tôi đi quanh chụp hình, nhưng ít thấy chư Tăng đi qua lại, mặc dù hiện có vài trăm người đang tu học…

Khi trở ra, chúng tôi chờ xe đò mãi mà không thấy. Do đó chúng hỏi mấy anh trong quán nước kế bên. Các anh trả lời : “Sau 12 giờ rưỡi hết xe đò rồi, một ngày chỉ có 1 chuyến thôi”. Phật ơi! Chúng con không biết làm sao đi về, mặc dù chỉ có 45 km. Quanh đây hoang vắng không có nhà trọ, ngoài quán nước nhỏ thôi. Đa số mọi người đến đây đều mướn xe jeep hoặc xe Mini Van là thuận tiện nhất. Người dân làng ít khi di chuyển nhiều, thứ nhất kinh tế, thứ nhì phương tiện giao thông ít oûi. Ít người đi nên mỗi ngày chỉ có một chuyến xe. Túng thế, chẳng còn cách nào khác hơn, chúng tôi xin quá giang xe jeep của anh chị người Ý để cùng về Leh. Họ đồng ý, nhưng tài xế không chịu. Anh ta nói lúc đầu chỉ đăng ký có hai người. Chúng tôi bắt đầu cải : “Người ta mướn cả chiếc xe, thì ngồi bao nhiêu người cũng được”. Cuối cùng anh ta chỉ chịu cho chúng tôi quá giang tới ngã ba đường cái Karu cách Tu Viện 7 km. Vì ở đây là đoạn đường làng không có xe nào chạy cả. Thành thử những người ở làng muốn đón xe là bắt buộc phải đi bộ ra đường cái mới có xe. Dân Ladakh ít dùng phương tiện xe đạp hay honda. Có thể đường dốc và xăng dầu mắc mỏ thì phải. Chúng tôi đành xin quá giang tới Karu. Đứng ở Ladakh chờ gặp được một chiếc xe đò thì tưởng chừng cái cổ dài thêm cả thước.

Đây là bài học kinh nghiệm, mặc dù trước khi đi chúng tôi đã nghiên cứu kỹ bản đồ, chỗ ở, nơi tham quan và phương tiện, nhưng đâu thể tránh khỏi sự khác biệt của mỗi quốc gia hay địa phương. Vậy những ai muốn tham quan, thì nên mướn xe hoặc giả biết lái xe hai bánh thì lý tưởng nhất! Khi đón được xe đò Toàn mệt quá, nên để chú về nhà trọ trước, còn tôi đi tiếp thăm Tu Viện Thiksey cũng trên đường về.

Tới Thiksey Gompa chúng tôi thật ngạc nhiên khi đứng trước một ngôi Tu Viện vĩ đại trong lúc dân cư chỉ có mấy mạng. Tự Viện xây kín cả ngọn đồi. Cái chùa nầy chồng lên cái kia và cái kia chồng lên cái nọ thành một khối bê tông khổng lồ đè lên ngọn đồi. Làm ngọn đồi phải gông mình chịu đựng. Chúng tôi đứng từ xa chụp vài tấm hình, rồi tranh thủ thời gian chạy lên Tu viện. Tu Viện của Ladakh còn lớn hơn cả lâu đài của Vua. Đường lên đủ ngõ, chúng tôi cố lên tới đỉnh. Đứng nghỉ mệt một hồi, chúng tôi mới phát giác có con đường vòng phía sau cho xe chạy lên đỉnh khoảng 5,7 cây số. Một điều chúng ta lưu ý, là đa số các Tu Viện đều thâu tiền vé vào cửa cho việc sửa chùa từ 10 – 25 rs. Thật ra với số tiền nầy không gì là lớn so với một Tu viện đồ sộ nguy nga như thế nầy. Chúng tôi cố gắng lên tham quan cho nhanh để kịp đón xe đò trở về. Thiksey là tên vùng nầy, cũng là tên Tu viện và tên Thầy Trụ Trì. Tu viện cách phố Leh 17 km, được xây dựng vào thế kỷ thứ 15, hiện do Thầy trụ trì ( Kusuk Thiksey ), vị Lama tái sanh thứ 9. Tu viện có 115 vị đang tu học. Khi đến không thấy chúng Tăng nhiều, mà chỉ nghe tiếng tụng Chú của chúng Tăng ở khu vực khác vang dội lại.

Thông thường một cái làng có từ 10 đến 50 căn hộ. Mỗi gia đình có 1, 2 đứa con, trừ những gia đình đặc biệt. Như vậy chúng ta có thể tính rằng cái Tu Viện đông hơn cái làng và còn lớn hơn cả cái làng nữa.

Tôn Giáo

Phật-giáo Tây Tạng, Bhutan, Nước Kim (Sikkim) và Ladakh giống nhau, đều theo Mật tông. Kiến trúc xây dựng chùa chiền, trưng bày trang hoàng bên trong và ngay cả hình thức tu tập đều giống. Thuở xa xưa có mấy vị Tăng Nam Tông đến đây tu hành, nhưng không phát huy Phật giáo được. Và khi vua Ladakh thỉnh những vị Lạt Ma Tây Tạng sang truyền giáo, thì Phật giáo Mật tông bắt đầu khởi sắc. Ngay cả bây giờ họ vẫn sử dụng Đại Tạng Kinh Tây Tạng. Thế kỷ thứ 11, học giả Ringchen Zangpo đã tạo dựng 108 ngôi chùa ở phía tây Tây Tạng và vùng Ladakh. Cuối thế kỷ 14 tông phái mũ vàng (Gelukpa) của tổ Tsongkhapa được truyền vào, dưới sự hướng dẫn của ngài Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên qua viếng thăm Ladakh. Kể từ đó tông phái này phổ biến rộng, và xây dựng vài ngôi chùa tại Thiksey, Likir và Spituk.

Những nước nầy thường mỗi gia đình đều gởi 1 hoặc 2 đứa con trai đi tu. Như ở Tây Tạng có gia đình đi tu cả nhà. Họ nghĩ rằng con cái họ sống nội trú trong Tu Viện thì sẽ được giáo dục tốt hơn, và nếu con của họ trở thành một vị thầy có kinh nghiệm giác ngộ tâm linh, thì gia đình họ vui mừng, xem đó hồng phúc ngay trong đời nầy và đời sau. Còn các bậc cha mẹ Việt nam khi nghe con mình phát nguyện đi tu thì lo buồn và tìm cách cản ngăn. Về mặt vật chất, họ sợ con mình đi tu ăn chay cực khổ, sống thiếu thốn … tội nghiệp. Về mặt tình cảm, họ nghĩ rằng con họ đi tu coi như cắt đứt mối quan hệ quyến thuộc, và kể từ đó, chuyện “sinh con ra để nhờ cậy” không còn mong cầu gì ở đứa con ấy nữa. Về tư tưởng, nhiều người, dù theo đạo Phật, vẫn nghĩ rằng “trai lớn lên có vợ, gái lớn lên lấy chồng” là lẽ tự nhiên. Ai cả gan chọn ngược lại với quan niệm đó thì bị bà con trong làng ngoài xã bàn tán, tiếc rẽ, tội nghiệp cho người ấy “chẳng chịu thọ hưởng cái mùi đời, uổng quá !”. Hoặc có người nghĩ rằng những trẻ tuổi đi tu chắc là bị thất tình, thất nghiệp, hay thất bại gì đó .v.v. chứ không bao giờ nghĩ đó là con đường giác ngộ, giác tha lý tưởng, cao thượng. Tuy họ có suy nghĩ, quan niệm nặng mùi thế tục như vậy, nhưng nếu ai từ bỏ lối sống độc thân, lập gia đình, nhất là người đã đi tu, thì bị người đời dị nghị, phản đối càng nặng nề hơn. Ở những nước Nam tông như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, .v.v. hễ ai đã tu xuất gia một lần, thì họ coi rất trọng. Nhất là những người chính quyền ở Thái Lan đều phải xuất gia tu học, ngay cả ông Vua. Vì họ quan niệm những người chính quyền có đạo đức, thì sẽ ích cho quần chúng nhân dân.

Trong Tu Viện nầy có một tượng Di Lặc cao khoảng 10 m. Chúng ta lên lầu hai thì mới chiêm ngưỡng được mặt Phật. Lầu một là nơi để chư Tăng tụng kinh. Ở trên lầu của gian nhà khác có nhà thờ tổ nhỏ và phòng Kinh tạng. Vì để kịp đón chuyến xe đò cuối cùng lúc 6 giờ chiều, nên chúng tôi vội tham quan ba lần bảy hai mươi mốt, rồi chạy xuống đồi. Đang xuống một đoạn thì có bà người New zealand tự nhiên hỏi : “Bạn muốn quá gian chúng tôi về phố không?”. Vì bà ta đã thấy chúng tôi đi bộ từ Hemis tới đây. Chúng tôi nghe mừng đổ mồ hôi hột không dám khách sáo, không dám từ chối, nên nhận lời cám ơn ngay.

Ngày thứ ba ở Leh ( 01/08-04 )

Chúng tôi ngẫm nghĩ trong đầu là nên mướn một chiếc xe hai bánh chạy đi tham quan, chắc sẽ thoải mái hơn. Vì mình đi từ từ và có thể dừng bất cứ nơi nào đẹp, ngắm cảnh chụp hình .v.v. cuối cùng chúng tôi quyết định mướn một chiếc Scooter (chiếc Vespa) 500 rs/1 ngày và đổ đầy bình xăng hết 270 rs. Hai chúng tôi dự định thăm Tu Viện Phyang về hướng tây, cách Leh 44 km, cùng đường đi thủ đô Srinagar (Kashmir). Đường xá ở đây không có nhiều, nên đơn giản lắm. Trước khi đi chúng tôi cũng coi bản đồ và chấm những điểm mình sẽ đi. Chúng tôi chạy khoảng hơn một tiếng hồ thì tới nơi. Chúng tôi vào thăm, thì thầy Tri Sự hướng dẫn xem Chánh điện cổ, nhà Tổ, và Tàng Kinh Các. Khu vực này đã hư hoại đi nhiều. còn Chánh điện đã khoá vì nghỉ trưa. Tự Viện nầy xây dựng hơn 600 năm. Chư tăng khoảng 60 vị, do vị tái sanh lần thứ 8, là Lama Chetsang Rinpoche làm trụ trì. Chúng tôi chạy xe ra xa để chụp vài tấm ảnh. Ở đây đất đai mênh mông mà không ai sống cả. Có lẽ không trồng trọt được. Trên đường chạy ra chúng tôi gặp hai người Tây phương đã hơn 50 tuổi đi bộ lang thang. Họ nói với chúng tôi cũng đi thăm chùa, nhưng không có xe buýt, đành phải ra đường quốc lộ đón xe. Từ Tu Viện tới đường quốc lộ là hơn 10 cây số, mà trưa nắng đi giữa sa mạc thật là tội nghiệp. Đa số các tự viện ở Ladakh đều xây tại những khu vực hẽo lánh, cách xa dân làng ít nhất từ một tới vài cây số. Cách sinh hoạt tự viện Ladakh không giống như chùa Việt Nam chúng ta. Chư Tăng tự nấu ăn và lo tu học, ít có tiếp xúc bên ngoài. Đôi lúc được cho phép về thăm gia đình. Còn Phật tử tới chùa lễ bái nghe Pháp rồi về. Cả hai bên hình như có khoảng cách nhau khá rộng. Mặt khác Phật tử Việt-nam thường đến chùa tu học, làm công quả, ăn cơm chay, đôi lúc ở lại luôn trong chùa. Có lẽ vì sự gần gũi như vậy, mà người ta thường nói rằng mái chùa che trở hồn dân tộc. Và ngược lại nếu chùa Việt nam không có sinh hoạt như vậy, thì người ta nghĩ chắc Thầy Trụ Trì ấy ấy … rồi. Chúng tôi cho một em Ladakh quá giang, vì cảm thông hoàn cảnh mà chúng tôi cũng đã bị hôm qua, đồng thời cũng hứa sẽ quay trở lại đón hai người Tây phương kia. Để giữ đúng hẹn chúng tôi đưa hai người ra bến xe ở quốc lộ. Tính ra đi chơi mà cũng làm chút công đức như vậy thì đáng nên đi phải hôn!!!

Về gần tới Leh cách khoảng 8 km có một Tu viện tên là Spitok. Tu viện nằm trên đỉnh đồi. Một mặt nhìn về con sông Indus, và mặt khác nhìn về toàn cảnh phi trường Leh. Đây là một trong những Tu viện được xây lâu đời, hơn 900 năm qua. Chư tăng hiện có 40 vị và Thầy Trụ trì là Lama Kushuk Bakula 86 tuổi, đã tịch tháng 11 năm 2003. Chúng tôi tẻ vào đường lên Tu viện thì có em Tây Tạng quá giang.

Em dẫn quanh bên trong mà tìm không ra lối vào Chánh điện. Tu viện ở đây thật lớn như lầu đài. Sau khi lễ Phật ra, chúng tôi nghe anh Phật tử nói em nầy là ca sĩ Tây Tạng, được mời trình diễn nhân dịp đại hội âm nhạc thế giới, kéo dài 2 ngày, mà bắt đầu vào đêm hôm qua. Quý Thầy mời chúng tôi dùng súp. Hai chúng tôi nghe mừng lắm, không dám từ chối. Thú thật đã hơn 1 giờ trưa mà chưa có ăn và uống gì cả, trong bụng vừa đói vừa khát. Ăn món Thukpa ngon sao đâu! Thukpa như súp rau cải, có thêm những viên bột mì. Quý thầy lại làm thêm 1 tô nữa. Chúng tôi làm luôn, cũng không dám khách sáo. Để tranh thủ thời gian, chúng tôi từ biệt ra đi. Em ca sĩ cũng đi chung và giới thiệu những khu tị nạn Tây Tạng trên sa mạc. Họ sống ở đây rất khó khăn, vì toàn là cát không trồng trọt gì được, vả lại không có nước… Chạy một hồi tới ngã ba đường quốc lộ Choglamsar. Đây cũng là nơi trung tâm trại tị nạn quan trọng của Tây Tạng, cho mọi người nghiên cứu về văn chương, lịch sử và triết lý Phật giáo. Gần bên sông Indus là chỗ ở của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Khu vực nầy còn có thêm trung tâm thiền Mahabodhi Society cho người ngoại quốc tu học. Nếu chúng ta chạy thẳng về miền nam hướng Thiksey, Hemis, hoặc thẳng tới Manali. Còn rẻ phải qua cầu đi Cung Điện Stok. Tới đây chú Toàn không khoẻ, nên chú cùng em ca sĩ ngồi xe đò về phố. Tôi đi một mình thăm cung điện Stok cách Leh 17 km. Khi xưa Hoàng Gia ở cung điện Leh và có một cung điện nữa ở Shey, là nơi nghỉ hè, nhưng cả hai nơi đã bị định luật vô thường biến đổi điêu tàn. Và giờ là nơi khách du lịch thăm viếng. Cung điện Stok là sau cùng, được xây trên ngọn đồi nhỏ vào năm 1825. Hầu như các lầu đài hay Tu viện lớn của họ đều thiết kế hiên ngang trên đỉnh đồi hoặc trên đỉnh núi vậy. Đời vua cuối cùng của Ladakh đã trở về với cát bụi vào năm 1974, và để lại hoàng hậu phòng không lẻ bóng sống trong cung vàng điện ngọc cho đến hôm nay. Hoàng thái tử nay đã lên ngôi và lập gia đình. Nói cho vui vậy thôi, chứ Hoàng gia Ladakh giống như Vua nước Kim (Sikim) không còn quyền và sống như dân dã vậy.

Chúng tôi mua vé vào tham quan. Có vài người đàn ông ăn mặc theo y phục cổ truyền, là những người hướng dẫn. Vào trong một bên là gia đình Hoàng gia ở, không cho vào. Còn một bên có vài phòng cho khách thăm viếng. Từng trệt có 2 phòng, một phòng trưng bày đồ nữ trang của Hoàng gia; một phòng là hình ảnh của Hoàng tộc từ xưa cho đến nay. Sau đó họ dẫn lên lầu 1, quẹo tay trái tới phòng triển lãm những bức Thangka về 8 hoá thân của ngài Liên Hoa Sanh. Vì Ngài đã hoá ra nhiều thân và thị hiện độ chúng sanh khắp nơi. Ngay cả cuộc đời lịch sử hoằng hoá của Ngài mỗi nơi khác nhau. Có người thắc mắc không hiểu Thangka là gì cả. Chỉ là bức tranh được vẽ trên tấm vải rất công phu. Đặc biệt chỉ có những nước Phật giáo Mật tông là thịnh hành loại Thangka. Họ dẫn ngược trở lại tới Viện bảo tàng, có trưng bày áo mão của vua và hoàng hậu. Họ cho chúng tôi biết đây là nơi vua đăng Triều với các quan thần trong cung. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vì chỗ nầy ngồi nhiều lắm là hơn 10 người, do đó hỏi lại ông ta : “Có thật là vua đăng triều ở đây không? “ . Ông ta trả lời : “Thật đó”. Ông ta nói tiếp: “ Đâu có gì ngạc nhiên chứ, bạn cứ nhìn xem dân Ladakh ngày nay thưa thớt, có là bao. Huống chi thuở xưa chỉ là những bộ lạc rãi rác mà thôi !”. Thì ra là thế! họ giới thiệu gần bên cửa sổ có cái phòng nhỏ là nơi Vua cầu nguyện tụng kinh. Khi bước ra Viện bảo tàng, phía đối diện là The Gompa of the King (Chùa của Vua), nơi các vị Lạt Ma tụng Kinh thuyết Pháp cho Vua. Xem xong, chúng tôi ra về.

Ở đây lại có ông người Mỹ, đi bộ từ ngã ba đường quốc lộ (Choglamsar) tới đây, vì không xe nào vào. Từ đó vào đây là 9 km. Hình như người Tây khoái đi bộ trên sa mạc thì phải. Sẵn chúng tôi một mình, thôi đèo ông ta cho có bạn. Và hai chúng tôi rồ ga một lèo về. Tới phố ông ta xin xuống, còn chúng tôi đi tiếp về phía bắc của Leh. Cách vài cây số có một ngôi Tự viện tên là Sankar. Trong sách hướng dẫn có giới thiệu một tượng thiên thủ thiên nhãn rất đẹp trong Tu viện nầy. Vì lẽ đó, chúng tôi có nhã ý viếng thăm. Nhưng không may bị lạc đường và đã dẫn chúng tôi tới đường cùng lên núi. Nơi đây có ngôi chùa, bên trong thờ theo kiểu Nhật và thêm một cái tháp Hoà Bình, mà dân địa phương gọi là Shanti Stupa. Tháp nầy cao vài chục mét, do Phật giáo Liên Hoa tông của Nhật Bản. Tông phái nầy cũng đã làm một cái gần bên đỉnh núi Linh Thứu. Họ làm một con đường nhựa cho xe chạy vòng lên núi, và đồng thời làm bậc thang bê tông đi tắc từ chân núi lên tới đỉnh. Xung quanh Tháp lót đá Marble rất sạch sẽ, rộng rãi, có thể ngồi đây hứng mát, ngắm cảnh phố Leh by night thật tuyệt vời. Chúng tôi ngồi đây nghỉ mệt một hồi lâu. Khi trời khuất bóng chúng tôi vội về trả xe, vì cũng gần 8 giờ tối.

Ngày cuối ở Leh ( 02-08-04 )

01ladakhimage 300x176
Trung tâm phố Leh

Thật ra chúng tôi muốn ở Leh thêm vài ngày nữa để có đủ thời gian tìm hiểu mọi thứ vùng nầy. Cũng như chúng tôi có ý muốn đi từ đây tới thủ đô Srinagar, mất khoảng 2 ngày. Đoạn đường nầy cảnh đẹp lắm! Sau đó đi xuống Jammu, rồi về lại Delhi. Đi như vậy sẽ có nhiều lý thú, vả lại chúng tôi cũng muốn tìm hiểu xứ Hồi giáo thế nào. Có nhiều người khuyên đừng đi đến đó : “overthere no peace, only fighting alway”. Đặc biệt tín đồ Hồi giáo không thích tu sĩ Phật giáo đâu, một phần chú em không khoẻ, mà lại có việc cần phải làm khi trở lại Delhi. Thời gian có hạn, đành phải về ngày mai. Do đó hôm nay coi như ngày thư thả.

Chúng tôi thả bộ vòng quanh xóm làng. Tình cờ gặp vị Thầy Ladakh quen. Thầy đi với một vị Lama khác và một người đàn ông Mỹ. Chúng tôi gặp nhau vui mừng kể chuyện đủ thứ. Chúng tôi bắt đầu đề cập đến kiến trúc xây dựng của Ladakh với những lầu đài, Tu viện khổng lổ trên đỉnh đồi, mà chỉ bằng cát đất và đá thôi. Xây như vậy không đơn giản, mà có thể bảo trì vài trăm năm, có cái cả ngàn năm. Thật hay vô cùng! Thầy cười và nói : “Thật ra xây lớn nhỏ là tuỳ thuộc vào tài chánh. Đa phần những công trình xây dựng Tu viện lớn đều nhờ Vua và chính quyền ủng hộ mọi thứ, chứ người dân nghèo chỉ giúp ít ẩm thực thôi. Ladakh mưa rất ít, có lúc không mưa vào mùa hè. Nếu như mưa lớn, thì những trần nhà bằng đất nhồi vẫn bị rỉ nước như thường, và nếu mưa nhiều như những vùng nhiệt đới, thì chắc chắn nhà cửa ở đây đều bị rã hết”. Chúng tôi cười khúc khích… Thầy nói tiếp : “vì lẽ lượng mưa hiếm hoi, nên nhiều vùng như Spiti ở đông nam, Zankar ở tây bắc khô như sa mạc Sahara vậy. Và dân làng phải di chuyển đi chỗ khác”. Chúng tôi nói : “Ở đây khó khăn khổ như vậy sao không di chuyển xứ khác cho rồi ?”. Thầy trả lời : “Đức Phật dạy rằng ở cõi Ta-bà nầy chỗ nào cũng có cái khó của nó, nhưng dù mình có tìm được chỗ nào sướng mấy đi cũng không thoát khỏi cảnh luân hồi của kiếp người”. Câu trả lời của Thầy như có ý cảnh tỉnh chúng tôi thì phải. Chúng tôi nghĩ thầm : “Mình thường tìm kiếm thú vui đông tây ở cuộc đời, nhưng khi mất mạng nầy thì khổ vui hoá thành phù phiếm mà thôi!”.

Chúng tôi mời Thầy đi uống nước. Thầy từ chối vì phải đi mua vé máy bay đi Dharamsala gấp. Thầy hỏi : “Khi nào về”, và chúng tôi đáp rằng ngày mai chúng con ngồi xe Bus về lại Manali. Thầy nói rằng đường đã bị hư hết rồi, nên đi máy bay, nếu không phải chờ ít nhất 10 ngày. Nghe như vậy, chúng liền tạm biệt và đến văn phòng du lịch ngay. Họ nói rằng cầu gãy đâu có sao, đi bộ qua 3 cây số là có xe đi tiếp. Vậy cũng đỡ lo rồi! Chiều hai chúng tôi vào phố chụp hình và thấy người ta bán rau cải tươi, làm chúng tôi nhớ đồ ăn Việt quá! mấy hôm nay ăn toàn những thứ khác khẩu vị. Do đó chúng tôi mua chút rau về xin nấu nhờ nhà của ông chủ. Cũng may gia đình ông chủ là Phật tử, nên coi chúng tôi như người nhà. Thành ra tất cả dùng chung buổi cơm chiều thật ngon và đầy ấm cúng.

02ladakhimage 300x112
Ông chủ nhà và chú Toàn

Trên đường về ( ngày 03-08-04 )

Sáng 4 giờ chúng tôi thức dậy và đi bộ chậm rãi ra xe. Chờ tới 5 giờ rưỡi xe mới rời phố. Chúng tôi nhìn lại Leh một lần nữa và tạm biệt Leh. Đoạn đường trở về Manali đối với chúng tôi như quen thuộc hồi nào rồi. Khi trở về còn sớm, nên anh tài xế ngừng lại đỉnh Taglang-la cho chụp hình. Khi bước ra khỏi xe gió thổi lạnh buốt da, tuyết rơi nhè nhẹ. Ai xuống chút xíu rồi nhảy lên ngay, trừ đi vệ sinh. Đoạn đường nầy đồng trống hoang vu, không cây cỏ, một bên là vách núi, còn bên thì vực thẳm. Thành ra để giải quyết vấn đề vệ sinh thì phải “thiên nhiên” thôi. Chúng tôi lúc đầu không quen đứng “ca hát” khơi khơi như vậy. Chỉ có mấy chị Tây tự nhiên hơn cả mấy anh chị Ấn độ. Vì vậy ai lúc đầu không quen, nhưng rồi cũng phải hát thôi, rồi dần dần cũng quen và tự tại khắp nơi nơi… Trên xe phần đông anh chị Tây trẻ, còn anh chị Á ít đi đường nầy. Do đó nếu chị Á nào muốn đi đường nầy thì phải nên xét lại xem mình có thể vô ngại như những chị Tây không? Nếu không thì nên đi máy bay, chứ ngồi xe mười mấy tiếng đồng hồ thì bế tắc, tội nghiệp lắm!

Tóm lại hễ ai muốn đi bằng xe, thì phải nghĩ là thứ nhất, có dám mạo hiểm và thám hiểm không ?; thứ nhì, sức khoẻ có chịu nỗi ngồi xe lượn qua lại những khúc quanh co trắc trở, đặc biệt đi xe hơn 12 tiếng đồng hồ trở lên; thứ ba, ăn uống dọc đường không ngại; thứ tư, giải quyết vệ sinh thiên nhiên… Đây là những điều kiện tối thiểu, mà mình phải chấp nhận. Nếu không mình sẽ cảm thấy đi như bị hành xác vậy. Để đổi lại sự vất vả đó thì chúng ta có thể thấy cái đẹp tuyệt vời, hùng vĩ của giang sơn gấm vóc ở cõi Ta-bà nầy.

03ladakhimage 300x175
Trên đỉnh Tanglangla- cao 5328 m

Lẽ ra xe bus dự trù đổ lại dọc đường tại Sarchu cách Leh 253 km. Nhưng vì còn sớm, nên họ cố chạy tới Keylong (360 km). Khi đến Keylong đã hơn 11 giờ 30 khuya, giống y như cảnh ngày đầu chúng tôi đến Leh vậy. Keylong là cái làng nhỏ, nằm bên cạnh thung lũng. Nơi đây có vài nhà trọ bình dân ngủ tập thể. Chúng tôi vào nhà trọ hỏi thử bao nhiêu một đêm. Họ trả lời rằng chỉ 40 rupees thôi. Nghe sao mà rẻ vậy!. Họ dẫn vào xem phòng. Phòng nào cũng gần 10 chỗ nằm hoặc hơn, nhưng hôi không chịu nổi. Cũng may tìm được một phòng riêng 150 rupee, nhưng phải sử dụng nhà vệ sinh chung.

Ở Keylong cao có 3349 m thôi, mà sao lạnh tê người. Chúng tôi mang vớ, mặc 3 bộ đồ mà vẫn lạnh. Cái mền dày cả tấc, nhưng không dám sử dụng, nó “bốc mùi quá !” Nằm trằn trọc tới khuya, lạnh quá đành phải dùng mền, không chê hôi hám gì nữa, trùm luôn cả đầu. Lúc đầu chúng tôi hơi khó chịu, rồi dần dần cũng quen mùi.

04ladakhimage 300x186
Tiệm ăn và nhà trọ trên đường

Sáng hơn 7 giờ lại khởi hành đi tiếp tới Rohtang Pass, cách Manali 64 km, cao 3980 m. Xe bus chỉ chở tới đây và quay trở về. họ nói đường hư, xe xuống không quay đầu được. Quý vị chịu khó đi bộ 3 km qua cầu là có xe khác đi tiếp. Nghe đi bộ 3 cây số là chuyện nhỏ, sẵn trời đẹp đi bộ càng thêm thú vị. Mới gần 10 giờ sáng, nên chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh, chụp hình. Ồ ! hai bên vách núi có nhiều hoa dại, đủ loại, đẹp không thể tả. Lúc này chúng tôi có thêm hai người bạn đồng hành, Sư Cô Malaysia và anh Do Thái. Chúng tôi đi bộ khoảng một cây số thì gặp hai anh chị Tây Ban Nha cho quá giang bằng xe Jeep. Xe chạy khoảng hơn bảy cây số thì xe dừng lại, mọi người xuống xe, đi bộ, vì đường lở.

Bây giờ chúng tôi rõ biết anh tài xế xe buýt nói sạo rồi. Không phải chỉ “đi bộ 3 cây số, rồi đón xe đi tiếp” mà đi bộ dài dài.

Bốn người chúng tôi đi mới được vài cây số, thì Sư Cô bắt đầu mệt và thở dài. Toàn và anh Do Thái đã đi về phía trước, chẳng thấy đâu nữa. Trong trường hợp nầy tôi phải làm bậc trượng phu tạm thời, mang bớt đồ cho Sư Cô. Chúng tôi thấy mấy anh thanh niên địa phương khuân hàng mướn cho khách bộ hành lên xuống theo con đường tắt bên vách núi, nên chúng tôi mò theo con đường này mà đi. Đoạn đường này chúng tôi chụp nhiều hình ảnh khu vực lở núi. Khi mưa lớn, làm cho tuyết tan nhanh và tràn xuống một lần. Nước đã mang đất đá, cây cối phá huỷ đường sá. Nhiều cây to đổ xuống, gãy từng khúc ngắn. Đường xe chạy cặp theo vách núi, dài mấy chục cây số, đều bị lấp hoặc sạt lở cả. Chiếc xe tải nào không may giáp mặt hứng chịu luồng cuồng lưu ập tới thì bị cát đá lấp luôn ở giữa đường; có chiếc bị nước đẩy lật ngữa. Một khung cảnh thật hãi hùng làm sao !

05ladakhimage 300x188
Phong cảnh Ladakh

Trước mặt sau lưng chẳng thấy bóng người. Sư Cô đi chậm quá. Chúng tôi lếch thếch đi, đã hơn bốn tiếng đồng hồ, mà không thấy tới chỗ đón xe; càng lúc càng thêm thử thách, đường dốc đứng, lại còn sình lầy, trơn trợt. Nếu lỡ trợt chân chắc tuôn thẳng xuống vực! Chúng tôi bắt đầu bò từng bước từng bước như con nít tập đi. Thật hỡi ơi! Chưa từng bao giờ leo núi mà sợ hãi như thế này. Sư Cô và ngay cả chúng tôi suýt bị té mấy lần. Cuối cùng chúng tôi phải dừng lại nghỉ mệt. Chân tôi run. Tôi nhìn xuống chóng mặt.

Đứng dựa gốc cây một hồi để lấy lại tinh thần, thấy có mấy anh phu vát lên, chúng tôi hỏi mấy anh còn bao xa, thì được biết rằng còn một cây số nữa. Nghe một cây số mà đường dốc như thế này, tôi mất kiên nhẫn, chân lại run lên ! Chúng tôi bèn mướn một anh phu vát 170 rs để khuân giúp hành lý cho cả hai người. Đúng là dân miền núi có khác, anh ta khuân vát hai ba lô và một túi xách, đi chân không, mà chạy xuống núi nhanh như Taïc Răng. May thay! nhờ anh ta dẫn chúng tôi tới chỗ đón xe. Anh ta còn cho biết con đường tắt này chỉ dài hơn năm cây số, nếu đi theo con đường xe chạy quanh co thì đi gần hai mươi cây số mới tới chỗ đón xe.

06ladakhimage-e1353072
Sư Cô Malaysia, chúng tôi, anh Do Thái, chú Toàn

Tới Rohtang Pass gần bốn giờ chiều, chúng tôi cảm thấy như mình thoát nạn hiểm nghèo. Gặp lại Toàn, gặp anh Do Thái, và hai vợ chồng người Tây Ban Nha, mừng quá, chúng tôi cùng nhau vào quán dùng cơm, rồi kể chuyện leo núi hãi hùng trong buổi sáng nay.

Ngồi ăn ngẫm nghĩ rằng con đường leo Hy Mã Lạp Sơn thật gian nan vô cùng, huống chi con đường giác ngộ, nếu thiếu kiên nhẫn khó tới đích.

Dùng cơm xong chúng tôi thuê xe Jeep về Manali, 17 cây số. Ở Manali một đêm, đúng 3 giờ 30 chiều ngày hôm sau xe rời bến, chúng tôi về Delhi. Ngồi trên xe, tôi hồi tưởng lại một chuyến đi đầy mạo hiểm, nhiều kỷ niệm khó quên.

Để thám hiểm, tìm hiểu Ladakh ở chốn nào, ra sao? Thì ai đi mới kinh nghiệm và cảm nhận được thôi. Người Việt thường hay nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đúng vậy, sau chuyến đi Ladakh, chúng tôi đã học bổ ích. Thú thật, chúng tôi đi tu không ràng buộc sự nghiệp, nên có duyên đi đây đó. Bình thường có nhiều người rất muốn đi, nhưng đi không dễ. Không phải vì họ khó khăn tài chánh, nhưng vì bận rộn gia đình, công việc, sức khoẻ và thời gian …

Đường lên Ladakh thật tuyệt vời, nhưng nó cũng phải trả cái giá thời gian, tiền bạc, và công sức. Niềm vui thế gian này là vậy! Chúng tôi mong muốn làm một chuyến hành hương cuối cùng trong đời mình là hành hương về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc. Nơi đó, theo trong Kinh, vườn cảnh, đường xá, nhà cửa, cung điện đều bằng thất bảo như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, sa cừ … Nơi ấy, không có khổ, nguy hiểm, chỉ có thuần vui, nên gọi là Cực Lạc. Cuối cùng chúng tôi xin hồi hướng và cầu nguyện tất cả sớm sanh Cực Lạc Quốc.

Viết xong tại Bangkok ngày 20-08-04 

Tác giả bài viết: Tỳ Kheo Thích Hạnh Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜI THIỆU

Phật Linh – Ba thế hệ một ngôi chùa

Người dân Việt Nam chúng ta thường có câu: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật vậy! Mái chùa là nói lên những nét đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Do đó ai nhìn vào mái chùa cũng có thể hiểu được một phần nào về văn hóa truyền thống phong...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây